Sau Nguyễn
Trung Thành tôi cần nói đến Lê Kim Phùng, Cục trưởng A25, cai quản an
ninh văn hoá chính trị, tuy tôi gặp Phùng trước vụ Nguyễn Trung Thành
minh oan năm năm. Để thấy từ 1990, phía công quyền đang có những tính
toán mới về vụ án “xét lại” chúng tôi.
***
Khoảng
cuối tháng 5-1990, thình lình một hôm, trưởng công an phường cùng hộ
tịch viên dẫn hai người thường phục nhận là ở “phòng phong trào” đến nhà
tôi. Tôi và Linh tiếp.
Tôi nói ngay:
-
Nay đổi mới, trực tiếp gặp thế này hay hơn bí mật theo dõi… đáng sợ.
Một dạo các anh gài người ngay trong nhà anh Hồ Sĩ Đản ở trước nhà tôi,
một công an khu vực mách tôi mà. (Chính là Thắng, công an khu vực cuối
những năm 80 nhưng tôi không kể tên). Các anh đến, tôi nói ngay trước
tiên một ý bao trùm, đỡ phải rào đón: không đổi mới thì Đảng chết trước.
Rồi dân theo sau.
(Phải cho dân cùng chung hoạn nạn với Đảng là vì lịch sự và tự vệ. Để mình đảng chịu thì sẽ rầy rà).
- Nhưng Đông Âu đổi mới mà chết đấy! - một anh thường phục nói.
-
Các anh có biết kỷ niệm Cách mạng tháng Mười vừa rồi, Liên Xô mời
Nguyễn Văn Linh thay mặt phong trào cộng sản quốc tế đọc diễn văn chào
mừng là vì sao không? Vì khác Việt Nam, các nước Đông Âu không đổi mới.
Thép Mới viết Cuba nói “đổi mới hay là chết” liền bị Cuba cự.
- Đổi mới mà Gorbatchev lại làm tổng thống?
-
Đã đổi mới thì phải có thay chứ! Ta cũng đổi mãi tên rồi đấy. Cộng sản
Việt Nam rồi Cộng sản Đông Dương. Cuối 1945, đảng giải tán, ẩn dưới cái
tên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tôi làm ở cái báo của Hội này đấy, đến
năm l951 ra mắt lại thì thành Đảng lao động, mất cả cộng sản lẫn Đông
Dương!
- Anh nghĩ gì về đa nguyên?
Nghĩ không nên mới gặp đã lộ sườn, tôi nói:
- Chưa nghĩ kỹ, nhưng dứt khoát là phải dân chủ, phải làm đúng những điều về dân quyền đã ghi trong Hiến pháp.
Khách
ra đến cổng Linh làm bằng các gióng tre Linh trồng, cái cổng rất hay mà
cứ nhìn nó là tôi hay nghĩ đến “cổng sài” kẽo kẹt hình như ở trong thơ
Nguyễn Trãi, một anh hỏi như bâng quơ:
- Từ nay với các anh nên thế nào?
- Sai thì sửa, như cải cách ruộng đất đã làm ấy.
Đổi
mới chiến thuật. “Túm thắt lưng” tiếp cận, mềm mỏng hơn, cởi mở hơn.
“Không thú gì đổi mới nhưng sinh mạng của đảng lại cứ bắt đổi mới” - tôi
bảo Linh.
***
Khoảng
nửa tháng sau, Vũ Đình Huỳnh mất. Đi quanh quan tài chào anh lần cuối,
tôi ân hận. Khanh, con gái anh ôm lấy tôi khóc: “Anh bỏ bố em rồi ư?”
Tôi ràn nước mắt lắc. Gần đây, tôi thưa đến anh. Lúc hay tới anh, tôi
thường được dự một cuộc “mách tội” vui của chị. Này, ai lại nước vừa sôi
cho vào phích thì lại đem đổ ra đun ngay lại. Khăn mùi soa dùng dở đem
là. Trời ơi, lại còn hay dỗi nữa chứ. Ngày xưa bao nhiêu luật sư, bác sĩ
làm thơ xin tôi ngoái nhìn lấy cho chút xíu thế mà tôi cứ đi lấy cái
ông này để cả đời toàn đi thăm tù, tù tây rồi lại tù ta… Những lúc ấy,
Huỳnh lim dim mắt cười, chóp chép miệng móm như nhấm nháp lần nữa những
cái quái của mình mà vợ đang hâm cho xài lại.
Thế
nào rồi tôi bẵng đi. “Hư lắm, lâu không đến nhá…”, chị Huỳnh hễ gặp lại
để tôi. Ít lâu sau một sáng tôi đến. Chị Huỳnh cho xem ngay một bức thư
vừa nhận. Của Lê Đức Thọ. Mới ở Pháp chữa bệnh về nhưng dư luận đồn
cũng là sang xem chuyện tiền nong gửi gắm ở ngân hàng ngoại.
Bức thư đặc biệt lạ. Làm cơ sở pháp lý cho việc lật án của Huỳnh được.
Sao
Thọ viết như thế? Tôi đã phải nghĩ ngợi một lúc. Cái chết đã hiện ra
gần? Hay tình thế mà tôi nói là cái sự đời, cái mạng của Đảng nó đòi như
thế? Trước đó một năm, trong một cuộc họp cựu tù Sơn La, Sáu Thọ đã
trân trọng kéo Huỳnh lên ngồi cạnh, nói với tất cả hội trường:
- Cuối 1944, không có một vạn đồng anh Huỳnh chạy cho Đảng thì Đảng không thể tiếp tục hoạt động để làm Cách mạng Tháng Tám.
Giá
như Thọ cùng nóiHuỳnh con từng đạp chiếc Diamant Pháp về tận quê Sáu
Thọ gọi Thọ đi hoạt động. Lúc bây giờ tù về, vợ trẻ, Sáu Thọ lặn có hơi
bị lâu, Sao Đỏ phải bảo Huỳnh đi tróc.
Con
khi viết thư chia buồn với chị Huỳnh, Sáu Thọ không biết hai năm trước,
túng quá, chị Huỳnh đã phải mở một quán nước ven nhà. Ngại nó là nơi
xét lại phản động liên hệ, công an dẹp. Kiểu như đã cấm vợ Trần Dần. Thế
là giằng co, xô đẩy giữa một bà già quyết giữ tài sản và mấy công an
quyết tịch thu ấm chén, chai lọ, điếu đóm. Đang ngồi vót tăm, Huỳnh vội
chạy ra, vẫn cầm con dao bài, tức là cái lưỡi nó to bằng quân bài tam
cúc. Công an bèn hô hoán Huỳnh “hành hung người làm công vụ” rồi vặn
luôn cánh khỉ hai tay của cựu thư ký Bác Hồ, đùn như đùn chiếc xe cút
kít về đồn cách vài ba chục bước với hung khí dao bài, tang vật chống
đối, tất nhiên. Chính Huỳnh thị phạm lại tư thế cút kít này với tôi.
Ôi,
nếu như Huỳnh không chạy cho Đảng một vạn đồng thì khó lòng có nổi Tổng
khởi nghĩa, thì chị Huỳnh cùng sẽ không phải bán thuốc lá “bó củi” và
trà chén năm xu, thì công an sẽ không khoá tay cụ già đã chạy tiền cho
Đảng làm Tổng khởi nghĩa, và nữa, nếu Huỳnh không về quê tróc Thọ đi mà
cứ để cho lặn nữa lặn hoài thì Thọ sẽ không bắt nổi Huỳnh.
Không thể không nghĩ: đời đểu quá thật! Và cay đắng hơn: ai bảo Huỳnh dại?
Tôi
bảo chị Huỳnh cho sao nhiều bản, gửi Nguyễn Đức Tâm, trưởng ban tổ chức
một, đề nghị Tâm căn cứ tinh thần thư Sáu Thọ mà giải quyết.
Sáu Thọ có lẽ cũng thấy chuyện đàn áp vợ chồng Huỳnh nó “đau đớn lòng” nên đã mời chị Huỳnh ăn cơm. Chị từ chối.
Thọ
bèn mời gặp. Gặp nói sẽ phục hồi cho anh Huỳnh, từ chức “thư ký của
Bác” đến các quyền lợi… Chị Huỳnh nói cảm ơn anh nhưng tôi không nhận
cho một mình anh Huỳnh được. Tôi chỉ nhận khi nào anh chị em đã bị đàn
áp đều được minh oan.
Tôi đến
thăm chị Huỳnh và đọc cái thư trên kia được vài ngày thì hai người của A
25 lại đến. Mời tôi sáng mai gặp một người phụ trách.
- Lê Kim Phùng? - tôi hỏi, khẳng định ngay là không thể ai khác. Cử những hai sĩ quan trung cấp đến nhà tôi thăm thú cơ mà!
Một
biệt thự ở Liên Trì cách hồ Thuyền Quang chừng trăm mét. Bộ xa lông
trước ban thờ vẫn còn mấy vòng hoa phúng và ảnh người chết. Tức là không
phải tôi đến cơ quan an ninh.
Cuối những năm 90, biệt thự 45 Liên Trì này đã bị cơi nới vá ghép tùm lum thành hiệu rửa xe. Tốc độ đổi mới nhanh quá!
Dị
(hay Diệp hay Dụ, tôi không nghe rõ nhưng không thiết hỏi rõ lại, cứ
gọi tạm là Dị) tiếp. Cùng hai anh “phòng phong trào” đến nhà ngày nọ và
Nguyễn Chí Hùng. Chí Hùng hay đến tôi, sau là trưởng phòng chính trị Sở
công an Hà Nội.
Dị xin lỗi:
- Bất ngờ có việc trên Trung ương, anh Phùng xin hẹn bữa khác, hôm nay anh cứ trò chuyện với chúng tôi.
Chủ động vào đầu, tôi nói ngay vụ “xét lại”.
-
Trong phong trào cộng sản ai đặt ra trò xét lại? Mao! Và ai theo Mao,
các anh đều rõ. Ở ta, anh Lê Duẩn viết “Mấy vấn đề quốc tế và Đảng ta”
xuất bản năm 1963, trước Hội nghị trung ương lần thứ 9 suy tôn Mao lên
thành Lê-nin ở thời đại ba dòng thác cách mạng. Các anh đọc thì thấy rõ
sự trở cờ đổi ngôi này. Kéo theo thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên ca ngợi Mao
kinh khủng mà nay học sinh vẫn thuộc kia. Có đặt ra trò xét lại, Mao mới
nêu được khẩu lệnh “thế giới đại loạn Trung Quốc được nhờ” “căng đế
quốc Mỹ ra khắp thế giới mà đánh” và những ai phản đối chiến tranh như
chúng tôi, kể cả các uỷ viên trung ương và Bộ chính trị, mới bị trị cho
cái tội “xét lại” chứ! Đúng quá! Mao không nêu khẩu lệnh, nhất là không
chi viện thì ta đào đâu ra súng đạn, tiền nong để đánh Mỹ? Trớ trêu là
nay Trung Quốc hoá thù, Mao hoá địch và Đặng Tiểu Bình, “Khruschev thứ
hai của Trung Quốc” lên hạ Mao xuống nhưng chúng tôi vẫn cứ đeo án chống
Mao. Không thể chối được việc chúng tôi thấy tội Mao trước cả Sách
Trắng của Nhà nước ta. Đảng nên sòng phẳng chỗ này. Song nay thì trưởng
ban chuyên án xét lại cùng nói khác rồi. Hôm qua đến chị Huỳnh, tôi được
xem bức thư ông Lê Đức Thọ viết làm cơ sở lật án được cho Vũ Đình
Huỳnh. Các anh chắc đã đọc? (Tất cả lắc). À, thế thì tôi thuộc, tôi đọc
các anh nghe ngay đây…
“Kính gửi
chị Vũ Đình Huỳnh, Tôi đi Pháp chữa bệnh về thì được tin anh Huỳnh mất
nên không thể đến viếng thăm được. Tôi bị ung thư đã di căn, sức khoẻ
yếu, nay tiếp tục chữa bệnh, không thể tới chia buồn cùng chị và các
cháu. Anh Huỳnh có công nhiều với cách mạng và nhân dân, khuyết điểm (Dị
cười đính chính: sai lầm! Tôi lắc đầu: là sai lầm thì tôi kể lại làm gì
chứ anh?) Khuyết điểm! Mà chưa hết. Khuyết điểm nhất thời…”. Trưởng ban
chuyên án khẳng định Huỳnh công nhiều, khuyết điểm nhất thời thế mà tù
đày như thế đấy! Dạo anh Huỳnh chết, đăng tin buồn trên báo Nhân Dân,
báo cắt nghiến luôn chữ cựu thư ký của Hồ Chủ tịch. Khuyết điểm tạm thời
mà tù bảy năm, quản thúc ba năm rồi trợ cấp “nhân đạo” mỗi tháng vài
chục nghìn. Học Mao kỹ quá đấy.
- Ta chẳng học ai hết, - một anh hơi cao giọng lên. Anh này hôm đến nhà tôi đã nói Đông Âu đổi mới mà chết đó.
Biết
thế nào người ta cũng cãi ta không học Trung Quốc, tôi mang theo sẵn
thư Trường Chinh gửi sang Bắc Kinh cho tôi năm 1959 nói tôi phê bình
đảng tắp lắp của Trung Quốc quá nhiều là rất đúng. Thế là tôi lấy thư
nay đưa cho Di (Chính cái thư Phan Quang không đọc mà vu cho tôi là
“chạy ghế” với Trường Chinh. Đầu mải ghế gú - có được không nhỉ, thì
nhìn cái gì cũng ra gú ghế!)
Nhận lại thư về, tôi nói:
-
Xin hỏi đã học ai làm cải cảch ruộng đất? À, đều rõ cả. Lại còn việc cố
vấn Trung Quốc xưa ở Bộ công an ta rất đông, hễ đề bạt cấp vụ trưởng là
ta đều tham khảo cố vấn…
Anh vừa nói ta chẳng học ai lại nói:
- Nhưng Bác Hồ cũng chống xét lại. (Tôi nghĩ anh ta lảng chuyện chắc ngại tôi bới vào tổ chấy kếch xù này).
-
Vâng, chống bằng không biểu quyết vào Nghị quyết 9, chống mà khi Lê
Quốc Thân nói nếu có lệnh công an chỉ cần bốn lăm phút là tóm cổ hết
được bọn xét lại thì Bác nói “chú hãy tóm cổ Bác trước”.
Tất cả chỉ cười. Nhưng tôi tin máy ghi âm mở.
Một anh hỏi:
- Liệu có mất Liên Xô không anh Đĩnh?
Tôi nghĩ ngay trong bụng: “Ngày nào theo Mao định cho Liên Xô kềnh tuyệt nọc cơ mà” Song tôi nói:
-
Hợp lòng dân thì chả mất cái gì. Dân đang muốn một Liên Xô mới mà như
Gorbatchev nói đấy: càng nhiều dân chủ càng thêm xã hội chủ nghĩa.
Chia tay. Hẹn 13 tháng 6. Dị không quên đưa giấy bút xin tôi viết lại đúng cái thư Lê Đức Thọ.
Tới
hẹn tôi lại đến. Trên đường đi, tôi đã định trước thái độ gặp gỡ. Tự
nhiên nhớ đến câu chuyện Lưu Động kể: bọn tù Sơn La chúng tao tuyệt
thực. Cousseau, công sứ kiêm chánh ngục đàn áp ngay - cấm cho uống nước.
Bụng không hạt cơm, không giọt nước thì chết rồi. Đến ngày thứ năm, chi
uỷ quyết định ngừng. Bảo Trần Huy Liệu viết thư báo Cousseau. Liệu
viết. Bằng tiếng Pháp. Cousseau bắt viết lại bằng tiếng Việt. Và phải
xưng chúng con. Chúng con đã thấy tuyệt thực là phá kỷ luật nhà tù vậy
nay biết tội, nguyện sẽ thế này thế nọ v.v…
Vốn
kị phồng phạo duy ý chí nên tôi dễ dàng rút lấy bài học đừng có dọc
ngang trời đất mà ngã đau này. Gặp sẽ nói thẳng thắn nhưng vẫn chú ý
vuốt mặt nể mũi. Tất nhiên cũng tính đến nói gì. À, nói cái họ sẽ không
thể ngờ đến, đó là Đảng yếu kém trí tuệ. Và phải nêu bằng chứng. Nghĩ
bằng chứng thì hiện ra hình ảnh anh hùng múa rá ăn xin mà khinh ráo trọi
mọi người. Và không ngờ, cả hình ảnh Ba Phều, bạn học lớp thày Tô Đường
nhưng tôi quên mất tên chỉ còn nhớ biệt hiệu Ba Phều bỗng vọt lên ở
trước mắt. Hơn chúng tôi ba bốn tuổi, Ba Phều nghịch hết sức tai quái.
Chuyên tán trong lớp. Thày bắt một mình một ghế ở dưới cùng, Ba Phều ốp
bàn tay vào kheo chân rồi từ từ co chân lại, phát ra một tiếng rắm rất
dài, lên xuống trầm bổng. Thày đuổi ra hè đứng cạnh các ngăn giá để mũ
thì rắm nách của Ba Phều càng nỉ non ai oán. Tư thế đứng rất tiện lợi
cho binh công xưởng dân lập thô sơ này hoạt động. Thày mắng, Ba Phều nói
nhà con toàn ăn khoai nên bụng lắm hơi. Thày quát: “Thế anh đến trường
để làm gì?” Khổ, thày không hiểu Ba Phều đâu cần học. Ba Phều cần xuất
đầu lộ diện ở thế gian với một trật tự khác người thôi.
Khi
hai hình ảnh múa rá và phân phối rắm hiện ra ở trong đầu, tôi đã bật
cười một mình như gã tâm thần, nay tôi vẫn nhớ vào lúc đó tôi lượn sang
Phan Bội Châu để qua Bộ công an đến hồ Thuyền Quang…
Nhưng
chính lúc đạp qua Đoàn Nhữ Hài có nhà Tô Hoài, tôi đã xoá đi hai hình
ảnh múa rá và Ba Phều tạo rắm. Tự nhủ gặp nhau bữa đầu nên trang nhã.
Vấn đề là ở chỗ tranh thủ sao cho nói được nhiều. Cốt cho thấy là chúng
tôi không sợ, chúng tôi có thể nói mọi cái. Đảng lấy cung tôi trong lúc
đất nước mù mịt, tôi còn nói được hết huống chi nay đổi mới.
Nguyễn
Chí Hùng đón ở hè đưa tôi vào. Lê Kim Phùng đã ngồi trong phòng khách
cùng mấy người tiếp tôi tuần trước, trừ hai anh chuyên bênh Bắc Kinh.
Ngồi xuống, tôi nói ngay:
-
Vừa nãy đi đường tôi cứ cười một mình. Rằng nếu Tổng bí thư Lê Duẩn
không chết thì bọn ta, anh và tôi rồi cả anh Trường Chinh, hiện đang hô
Đổi mới đây đều tù cả. Ông Duẩn nhận định tình hình đất nước hết sức tốt
đẹp, cao trào lao động xã hội chủ nghĩa đang dâng lên ở trước mắt thì
đùng ông Trường Chinh lại “không đổi mới thì chết”, tôi nói đúng không?
Thôi, anh Phùng nhỉ, nói năng thì tôi nhanh nhảu, vậy trước hết bây giờ
tôi nói một thái độ chính yếu: chúng tôi ủng hộ đổi mới, chúng tôi cùng
với đảng đổi mới. Lòng thành như vậy… Sau đó tôi muốn làm rõ một điều,
điều đau đớn nhất cũng là nguy hiểm nhất cho một đảng cộng sản, ấy là
mất lòng tin cûa dân. Mặt mặt cay đắng ghê gớm này, Đảng đã thừa nhận
trước cả nước rồi nhưng cho đó là vì đạo đức tư cách đảng viên kém.
Vâng, có chỗ ấy, nhưng chưa đủ. Theo tôi còn một cái yếu nữa. Yếu trí
tuệ, tôi nhấn rõ và thong thả ba chữ này. Đúng thế. Đại hội 6 của Đảng
chống duy ý chí mà duy ý chí thì là gì? Chính là yếu trí tuệ. Tôi nói có
bằng chứng. Đây, xin nêu thí dụ yếu trí tuệ: Hội đồng bảo an LHQ có năm
uỷ viên thường trực thì ta nổ súng đánh bốn, con một tức Liên Xô thì
chửi nó đủ điều nhục nhã. Tôi từng nói đùa: “Nghe chửi thế này thì tượng
Mẹ Tổ quốc của Liên Xô khéo phải lặn xuống sông Đôn mất tăm!”. Về địa
chính trị thì không kể phương Tây, chỉ từ Liên Xô qua Nhật, Hàn quốc,
Trung Quốc, các nước ASEAN cho tới Ấn Độ đều từng hay đang là kẻ thù của
ta cả. Nếu sẵn trí tuệ thì chắc sẽ không đứng giữa trời chửi xa chửi
gần hết cả nút như thế?
Phùng và năm sáu người vẫn im lặng nghe. Tôi nói tiếp:
-
Nay sang vụ xét lại. Tôi thông cảm Đảng cần giữ thể diện cho nên tôi
không đòi Đảng phải công khai tuyên bố sửa sai vụ “xét lại” thế nhưng
Đảng cần phải minh oan, phục hồi danh dự và quyền lợi hoàn toàn cho anh
chị em. Vụ xét lại cũng như vụ Nhân Văn là không có bằng chứng chúng tôi
phạm pháp. Tôi đã nhờ anh Thẩm nói với anh Thọ rằng giải quyết vụ án
xét lại không khó, miễn là Đảng người lớn. Thế nào là người lớn? Là biết
mình biết người, mình có đúng nhưng cũng có sai, người có sai nhưng
cũng có đúng. Thứ hai, Đảng đi bước trước, chủ động gặp anh em đặt vấn
đề, kêu gọi hai bên cùng thiện chí. Thứ ba không cò kè bớt một thêm hai.
Có thế thôi chứ theo tôi thì anh em thà chết chứ không hàng đâu.
- Nhưng Hoàng Minh Chính đòi Đảng phải công bố đầy đủ lên báo - Lê Kim Phùng nói ngay.
-
Sao Đảng không gặp cả chúng tôi mà chỉ gặp Hoàng Minh Chính rồi coi như
Chính thay mặt chúng tôi? Không có tổ chức, chúng tôi càng không biết
đến cái nguyên tắc tập trung dân chủ. Còn công bố hay không là chuyện kỹ
thuật nhưng về nguyên tắc thì là phải giải quyết. Giải quyết thoả đáng
vụ chúng tôi thì Đảng được lợi. Có lẽ còn lợi nhiều hơn cả chính nạn
nhân chúng tôi: Đảng sẽ được dân tin cậy…
Tôi ngạc nhiên thấy Phùng nói:
-
Các anh như bát nước đầy chẳng may bị hắt đổ đi thì có đem vun lại cũng
không thể nguyên vẹn được như cũ. Chúng tôi đang nghiên cứu chính sách
đối với thân sĩ, trí thức văn nghệ sĩ (sic) và nhân đó cho cả các anh để
giúp cải thiện đời sống. Hiện ông Chính được có 45 nghìn đồng trợ cấp
mỗi tháng thì gay thật. Chúng tôi đang nghĩ cách thế nào để tăng được
lương cûa các anh chị lên. Nhưng anh Đĩnh à, anh vừa rồi nói vụ xét lại
và Nhân văn không có bằng chứng là không đúng, chúng tôi có đầy đủ bằng
chứng.
- Vâng, bằng chứng thí dụ
như thư ông Lê Đức Thọ gửi bà Tề, vợ ông Vũ Đình Huỳnh mà hôm nọ tôi có
viết lại cho các anh ở chính đây trong đó nói “anh Huỳnh có công nhiều
với nhân dân với cách mạng, khuyết điểm là tạm thời” phải không anh?
Bằng chứng thành văn của chính ông trưởng ban vụ án đấy! Khuyết điểm là
tạm thời ấy thế mà tù tội hết đời.
Còn
bằng chứng về Nhân Văn - Giai Phẩm, đảng tuyên bố kỷ luật người ta ba
năm rồi đâm ra trọn đời khốn đốn đấy, phải không anh? Nhân đây hỏi anh
là Hoàng Minh Chính ra tù ba năm thì đã giải quản chưa?
- Chưa, - Phùng nói.
- Thế thì chết, sao lại thế?
-
Vì theo luật ông Chính phải ra công an phường kiểm điểm xem đã tiến bộ
chưa rồi mới được giải quản nhưng ông Chính không chịu ra đồn kiểm điểm.
Ông Chính thấy mặt chúng tôi đâu là chửi đấy.
-
Thế khi bắt người ta thì có theo luật không? Có đem ra toà xử người ta
không? Thiếu bình đẳng quá anh Phùng ạ. Bắt người ta không cần luật,
giải quản cho người ta lại đòi luật. Thôi, bây giờ tôi mách các anh: cứ
bỏ lệnh giải quản vào phong bì dán 80 đồng tem rồi gửi bưu điện. Tôi bảo
đảm Chính không có đạp xe đi trả lại các anh đâu.
Chuyện
đến hồi cuối, tôi nói tôi nghe thấy đồn rầm lên là sắp bắt Dương Thu
Hương. Bắt là hạ sách. Đảng cho nữ văn sĩ vào tù vì đòi dân chủ thì bằng
phong Dương Thu Hương làm thánh mẫu toà sen. Nhà nước có luật pháp là
đủ sao cứ phải kèm thêm chuyên chính?
- Chức năng của chuyên chính là tổ chức - Phùng nói.
-
Như tổ chức bắt tù xét lại mà không cần toà xử chứ ạ? Thôi, tóm lại,
đảng cần dân chủ hoá, cần phải sửa sai vụ chúng tôi, cần bình thường
hoá. Chiều nay Từ Đôn Tín, “kẻ thù” đến Hà Nội ép ta nếu muốn bình
thường hoá quan hệ với Bắc Kinh thì phải rút khỏi Campuchia, việc mà Bắc
Kinh nói là chấm dứt xâm lược. Chuyện này, họ ép ta nghe đấy. Chả lẽ
sức ép trong nước lại không bằng sức ép của bên ngoài?
Có
lẽ nên nói rằng trong khi chuyện với Phùng, tôi đã cảm thấy một niềm
vui thênh thang bề thế: hưởng thụ lòng tin của tôi đang ngày một mở mang
- mà có bằng chứng xác thực - lòng tin vào chân lý yêu thương con người
chống bạo lực, cái đã làm cho tôi khốn đốn - và muốn trung thành với nó
thì trước hết hãy yêu thương bản thân tôi; đó là tôi phải giữ gìn
nguyên vẹn lòng tự trọng. Lòng tự trọng không những giúp anh bảo tồn
nhân cách mà còn cho anh bay bổng trí tuệ. Tôi thấy lòng tin và lòng tự
trọng này gần như là một.
Sau
cuộc gặp này, tôi nhận thấy một động thái gì đó cũng hứa hẹn. Nhưng vẫn
tự dặn rằng với các ông này chớ nên kết luận gì dứt khoát ngay sất cả.
Đồng bóng lắm!
Tuần sau Hoàng
Minh Chính nhận được giấy giải quản. Nhận ở nhà. Chả ra đồn gì. Báo tôi
tin này, Chính bảo tôi “họ muốn gặp ông là để nghe mách nước đấy”.
Có tí chê tôi còn mơ hồ với an ninh. Tôi đùa:
- Nếu nước tôi mách tồi thì đem giấy giải quản trả lại cho họ đi! Tôi đưa hộ.
Hồng Ngọc ngồi đó nói:
- Có giấy tờ đi lại vẫn hơn là ru rú ở nhà chứ nhỉ, anh Trần Đĩnh! Cố nhiên ai mà chả thích đi lại tự do.
Lại một tuần sau, gặp tôi, Đào Phan nói Diệp (hay Dị, Dụ?) đến chơi bảo: gặp chúng tôi, anh Trần Đĩnh thẳng thắn lắm.
- Thẳng chứ, - tôi nói. Đụng cả đến vấn đề trí khôn cơ mà.
Vỗ
ngực khinh tuốt chính là tâm thế “tiền đồn” và “mũi xung kích” tự đặt
ra để bù vào mất mát xương máu đó! Nhưng nên thể tình người ta ngồi đỉnh
ngọn cau đang bị kiến lửa đốt lại thêm ong vò vẽ bu đến. Vực người tụt
xuống khó hơn vực người leo lên. Với lại vụ xét lại dính đến nhiều
chuyện tày đình của Đảng. Duẩn theo Mao phát động chiến tranh thì chính
xét lại đã phản đối nội chiến rồi trong nội bộ đảng, chính các kễnh chơi
nhau mẻ đầu sứt tai… Mở vụ này ra thì bung to phải biết. Nó không như
Nhân văn Giai phẩm. Nhân Văn đụng to nhất chỉ đến ông Nguyễn Hữu Đang bộ
trưởng không Trung ương và Văn Cao, tác giả “Tiến quân ca” chả cục vụ
quái gì… Còn vụ này đụng đến tận Cụ Hồ.
Trước
đây, quãng 1988-89, một lần tôi đã bảo Nguyễn Chí Hùng, trưởng phòng
chính trị Sở công an Hà Nội, con rể Ngô Minh Loan: “Thật ra người bị xử
lý đầu tiên sau Nghị quyết 9 là Cụ Hồ. Không biểu quyết Nghị quyết 9
theo Bắc Kinh, Cụ liền thôi họp Bộ chính trị ngay. Kỷ luật truất họp Bộ
chính trị thế là to quá rồi còn gì, phải không? Anh thấy ý cụ Mao thiêng
chưa?” Ngồi nghe tôi mà Hùng thuỗn ra. Tôi có nhâm nhi giây phút ấy.
Ba
mặt một lời, ít ra còn Nguyễn Chí Hùng có thể chứng cho việc tôi gặp Lê
Kim Phùng nói đến trí khôn Mác-Lê vỗ ngực nhất thế giới. Tôi đã nói với
Hùng nhiều dịp. Có lần Hùng còn thì thào bảo tôi: “Anh viết các cái này
gửi Bộ chính trị đi!”. Ý là anh thử thuyết phục Bộ chính trị xem chứ em
là thấy đúng quá đấy. Năm 1998 tôi cũng nói cái ý Cụ Hồ nạn nhân với
Kevin Whitelaw, nhà báo Mỹ của tờ US News and World Report.
… Rồi tôi lại gặp Lê Kim Phùng. Tình cờ.
Đào
Phan mừng thọ 75 tuổi. Cả trăm bạn bè dự. Lê Trọng Nghĩa, Lê Đạt và tôi
ngồi ở một đầu bàn gần cửa. Thì Lê Kim Phùng đi vào. Thấy tôi, Phùng
đến chào.
Tôi đùa:
- Ô, toàn con cháu Lê-nin gặp nhau nhỉ, nhưng Lê Trọng Nghĩa, Lê Đạt là Lê dỏm…
Chuyện vài câu, Phùng khẽ bảo:
- Anh ra kia một chút được không?
Ra cổng hội trường. Phùng nói:
-
Tôi đã thành tâm muốn giải quyết cho các anh… nhưng bị vướng ở… trên,
nên… Tôi thì sắp về hưu, có lẽ phải tìm một đường vòng vậy.
-
Chúng tôi không có chờ cái gì thuận ở đảng, anh chắc là biết thế - tôi
nói - Thành thói quen rồi. Nhưng tôi nói lại như đã nói với anh mấy năm
trước, là sớm muộn rồi cũng phải mở lại vụ án ghê gớm nhất trong lịch sử
của Đảng.
Phùng gật gật. Tôi thấy vẻ lúng túng trên mặt.
Chỉ
vài tháng sau Phùng đã hết lúng túng mà đứt hẳn một bề. Làm đơn xin
minh oan cho vụ án chúng tôi, Nguyễn Trung Thành bảo tôi anh nên thư cho
Lê Kim Phùng nói hắn nên đồng tình với tôi, Phùng hắn nể anh đấy. Tôi
đã làm theo gợi ý của Trung Thành. Mang đến tận nhà đưa thư - nhưng
Phùng đi vắng.
Tuần sau, Trung
Thành bảo tôi. Cái cậu Phùng này không tốt. Hắn với cậu Hương (hai Hương
đều đệm Đình, tôi nhớ hình như là Nguyễn Đình) vừa có đơn gửi Trung
ương nói đánh vụ xét lại là đúng.
Tôi
nói Phùng phải nể Đảng hơn nể tôi chứ anh. Tiêu chuẩn đạo đức cao nhất
của đảng viên là nhất trí với Trung ương mà! Cũng liền nảy cái ý: giá
như tâm địa thế nào thì lưỡi tự động số hoá vào nó như thế. Lúc cần đến
sẽ đem bản sao số hoá đó so với lời mới nói ra.
Nhưng
với tôi, Phùng khá trọng vọng. Khi Nguyễn Trung Thành kêu lật án cho vụ
xét lại, đảng đã mở một triển lãm bêu tên đám phản động để nhân dân
thấy mà ghét cái mặt chúng. Xem xong Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính mách
tôi là có tên tôi và tên anh Lê Giản nhưng chữ Lê đã bị bôi mờ.
Tôi
viết thư phản đối cho Lê Kim Phùng. Hôm sau Phùng cùng thư ký đến tận
nhà gặp tôi thanh minh là không có, bởi đã lặng lẽ cho rút đi.
… Cuối 2002, Tuấn, một trung tá A25, hay đi với các đoàn làm phim Mỹ - như Một người Mỹ trầm lặng mời tôi gặp vụ trưởng Khổng Minh Dụ. Tôi lịch sự từ chối.
- Sao trước kia anh gặp ông Phùng? - Tuấn hỏi.
-
Không có chuyện cá nhân ở đây. Lúc ấy xét lại và an ninh lần đầu tiên
đối thoại. Nay thì an ninh và chúng tôi đã hiểu nhau cả rồi.
***
Cuối
cùng, năm 2012 cũng có người ngoài cuộc nói lên được sự thật. Trong
cuốn Cuộc chiến tranh của Hà Nội (Hanoi’s War), Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên -
Hằng viết: Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã chọn con đường phát động chiến
tranh (tôi nhấn). Trong nội bộ Đảng, đàn áp, loại khỏi quyền lực những
ai phản đối, làm nên vụ án xét lại chống Đảng mang tên Hoàng Minh Chính
từ năm 1963 và cuộc thanh trừng “xét lại” lớn nhất trong nội bộ đảng vào
năm 1967. Để tiến hành chiến tranh, sau Đại hội Đảng lần thứ 3, từ năm
1960 lãnh đạo đã biến miền Bắc thành một xã hội công an trị với hàng vạn
người bị bắt vì “nguy hiểm đến an ninh, trật tự xã hội” (tôi nhấn
mạnh).
Năm 2013, nhân Hà Nội ca
ngợi thắng lợi của Hiệp định Paris, phó giáo sư Pierre Asselin viết
chính quyền ở Việt Nam cho phổ biến quan niệm cách mạng Việt Nam là theo
“tư tưởng Hồ Chí Minh” nhưng sự thật thì trong thập niên sau 1965, Hà
Nội đã trung thành với “tư tưởng Lê Duẩn”. Không cho phép đối kháng, vào
năm 1967-68, Lê Duẩn cùng với Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ
(kiêm “trưởng ban chuyên án xét lại chống đảng”) đã thanh trừng khoảng
300 người “xét lại”, những người kêu gọi thương lượng với Washington và
Sài Gòn, hoặc đi ngược đường lối vũ trang chống Mỹ của Đảng (tôi nhấn
mạnh).
Lê Duẩn đã thừa nhận “tư
tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin trong thời kỳ ba dòng thác cách
mạng”, vậy thì “tư tưởng Lê Duẩn” như Asselin viết chính là tư tưởng Mao
Trạch Đông, không thể nào khác! Pháp sư giật dây cải cách ruộng đất ở
Việt Nam là Mao. Phù thuỷ mách nước đánh Nhân Văn - Giai phẩm là Mao -
để phối hợp với chống phái hữu bên Trung Quốc. Và Nghị quyết 9 của Việt
Cộng ra đời là hưởng ứng Mao chống xét lại để giữ cho chủ nghĩa Mác-Lê
trong sáng mà thực chất là gì? Sau thảm hoạ cải cách ruộng đất và “Chống
phái hữu”, “Tiến vọt, ba ngọn cờ hồng”, Hà Nội và Bắc Kinh đều đang
đứng trước một hũ nút đen ngòm là sự bất bình của dân. Cách tốt nhất với
cộng là hướng dân vào căm thù đế quốc. Mưu thâm trí cả, Mao đã nêu khẩu
lệnh “căng đế quốc Mỹ ra toàn thế giới mà đánh!” và “Thiên hạ đại loạn,
Trung Quốc được nhờ!” khéo kéo mấy nước lạc hậu trong phe như Việt Nam,
An-ba-ni theo mình đánh Mỹ kẻo mà sợ chiến tranh thì thành “xét lại”
đầu hàng, phản bội như Liên Xô.
Xúi
Hà Nội đánh đuổi Mỹ, Mao giấu đi mục tiêu chiếm Biển Đông - tuy Chu Ân
Lai đã công khai đòi chủ quyền từ 1949. Cũng là mong muốn rửa bằng máu
người cái hận bộ trưởng ngoại giao Mỹ Dulles không bắt tay Chu Ân Lai ở
Hội nghị Genève năm 1954. Còn với Lê Duẩn, Mao đã giúp thoả mãn ước
nguyện lập công cao hơn Hồ Chí Minh là người mới giải phóng có nửa nước!
Mặt khác, Mao còn nêu gương (phang Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành
Đức Hoài…) để cho Duẩn và Thọ có thể nặng tay với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên
Giáp cùng rất nhiều cán bộ và sĩ quan trung cao cấp.
Về
cuốn sách: “Cuộc chiến tranh của Hà Nội: một biên khảo Sử học Quốc tế
về Cuộc chiến tranh vì Hoà bình ở Việt Nam” của TS Nguyễn Thị Liên -
Hằng, Pierre Asselin viết:
“Được
ông Thọ hậu thuẫn, sử dụng các thủ đoạn lèo lái, lừa dối, và các sách
lược, Lê Duẩn, một thành viên trung thành Nam tiến, đã loại bỏ thành
công các đối thủ ý thức hệ trong Đảng, trong đó có ông Hồ. Ông Duẩn lập
nên một cấu trúc điều hành cho phép ông độc chiếm được quyền lực chính
trị, trở thành nhà độc tài và đưa Bắc Việt tiến đến chiến tranh với Mỹ”.
Và
rồi Mặc Lâm RFA cũng viết: Những người “xét lại” Việt Nam bị đàn áp
“chỉ chống lại ý tưởng chủ chiến của Mao Trạch Đông mà nhóm thân Tàu
đang hết lòng cổ vũ. Những người bị kết án, bị bắt nằm trong kế hoạch
của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh và kế hoạch này đã mở đầu
cho một cuộc chiến khác khiến 3 triệu người Việt Nam đã bỏ mình trong
hai chục năm chiến tranh đẫm máu cho tới năm 1975 mới chấm dứt…”
Thì
ra thế giới thấy rõ kim chỉ nam định đoạt đến tận số phận nổi nênh,
chìm đắm, sáng tối, phúc hoạ của từng lãnh tụ Việt Cộng. Cụ Hồ gọi là
kim chỉ nam quá giỏi!
(Về “kim
chỉ nam”, một luật sư Bắc Kinh, Pu Zhiqiang nửa thế kỷ sau đã công khai
đánh giá: Theo tôi, “Mao Trạch Đông không tốt hơn so với Hitler. Chúng
ta chê Nhật từ chối xem xét lại lịch sử trong khi Đức đã công nhận nạn
diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã” tuy nhiên, Trung Quốc cho đến
nay vẫn không thừa nhận rằng Mao Trạch Đông đã đầu độc cả thế giới. Chắc
chắn luật sư Pu có nghĩ đến cuộc chiến “chống Mỹ” của Việt Nam).
28-7-1967,
bắt mẻ “xét lại” đầu tiên. Tháng 9, Giáp sang Hungary “dưỡng sức”. (Tôi
nghe thông báo chính thức). Cụ Hồ đi Trung Quốc chữa bệnh. (Cũng nghe
chính thức thông báo).
Trong khi
đó ở Việt Nam đã có hơn nghìn chuyên gia quân sự Liên Xô chịu trách
nhiệm vận hành cũng như bảo trì máy bay, tên lửa, trong đó có một nhóm
chuyên nghiên cứu, đánh giá hiệu quả vũ khí của Liên Xô cũng như thu
thập mẫu vũ khí của Mỹ, không kể khí tài, xăng dầu…
Quái
gở thế đấy! Cái thằng được rước vào giúp Việt Cộng nâng cấp chiến tranh
lên hiện đại hoá (Bắc Kinh chỉ giúp ở trình độ Thế chiến II thôi) lại
đi cài tay sai để lật đổ Việt Cộng, rồi để chính “tay sai” bị bắt cùng
lúc đó nhưng vẫn không hề nhạt một li chi viện! Rồi cả khi ký hiệp ước
tương trợ Việt-Xô, “bọn tay sai Liên Xô” cũng chả được sơ múi tẹo nào.
Vụ
án “tay sai Liên Xô” là một thế chấp nộp cho vui lòng Bắc Kinh. Tiền
tuyến một lòng theo đại hậu phương ạ! Vu làm tay sai đã thành võ chuyên
sâu của Đảng. Với lại đảng đâu mà dại lên án chúng tôi phản đối nội
chiến, phản đối chiến tranh. Có mà bằng xúi dân theo chúng tôi chứ đừng
đi B, đi C.
Chắc thấy chúng tôi
phản chiến là xót cho cả máu Mỹ - chứ không nghĩ chúng tôi là tay sai
của Liên Xô, kẻ thù số một của Mỹ, một buổi sáng tháng chín gì đó năm
1998, một tham tán văn hoá đại sứ quán Mỹ - tức chính quyền Mỹ - đã lần
đầu tiên thanh thiên bạch nhật tại trung tâm Hà Nội bất ngờ đến bắt tay
một chàng xét lại Việt Nam - chàng ấy là tôi: “Chúng tôi biết ông là thế
nào nhưng không tiện gặp, chắc ông hiểu…”. Sau đó giới thiệu nhà báo Mỹ
gặp phỏng vấn.
Không ít người
không ưa Đảng nhưng lại tin lời buộc tội của Đảng, vẫn không thấy chúng
tôi vì phản đối huynh đệ tương tàn mà bị đàn áp tàn bạo.
Cũng như có người chi li coi Nhân văn - Giai phẩm chỉ là đòi tự do không thôi chứ vẫn là chính chuyên cộng sản.
Khốn
nạn, cộng sản mà đã đòi chia lời lẽ với Đảng hay đa nguyên thì tất có
ngày hê đảng. Nhiều người không biết gốc tội chúng tôi là muốn… đối
thoại với bà con trong Nam chứ không xin máu họ.
Cộng
sản tồn tại nhờ chuyên chính bạo lực nhưng chúng tôi đòi giải vũ trang
đảng, đòi đảng phải cụp bạo lực đi hay từ bỏ vai trò “bà đỡ của cách
mạng” hay thôi con đường “chính quyền ra từ nòng súng”. Thực chất đòi
dân chủ cho muôn người.
Không có những con khỉ nghịch tử mang gien biến hoá thì tất cả chúng ta nay chắc vẫn cứ là khỉ độc đấm ngực thình thình mà hú.
Nghịch
tử gái nào không chịu nhuộm răng đen đầu tiên ở Việt Nam? Để rồi chịu
nỗi nhục mẹ Tây! Hai Bà chống xâm lăng nhưng cô gái Việt đầu tiên không
nhuộm răng thì hoà nhập với tiên tiến của bên ngoài.
Giá như sắp cải cách ruộng đất có dăm ba người cộng sản nghịch tử đứng lên ngăn?
Trước
cuộc nội chiến Đảng phát động để nhằm mục đích vẻ vang nhất “đánh đổ
một bộ phận, đánh lùi một bước chủ nghĩa đế quốc”, chúng tôi đã xung
phong làm nghịch tử.
Không thích đổ máu người nữa. Thích quyền người.