Tháng 5 năm 1959, đoàn báo Việt Nam sang thăm Trung Quốc, tôi gia nhập đoàn.
Một
sáng vào Trung Nam Hải. Trung Quốc “giải phóng” Tây Tạng. Dalai Latma
ngồi bò yak trốn sang Ấn Độ, cổ tay đeo chiếc Rolex do Tổng thống
Roosevelt tặng, thời cờ năm sao chưa cắm trên đất Lhassa. Phong nhã,
đẹp, Chu Ân Lai lên án và giải thích chính nghĩa của Trung Quốc. Đều
khách nước ngoài, phần lớn là các “nhà cách mạng” thường trú Bắc Kinh.
Mãi
sau tôi mới hiểu lớp thực khách Xuân Thu Chiến Quốc đời mới này sẵn
sàng hô vang khẩu hiệu đại loạn của Bắc Kinh. Ở các hội nghị Á Phi chống
xét lại, ở Hà Nội, các chân gỗ không chằng không rễ chuyên đánh trống
trận bằng mồm xúi thiên hạ loạn li tơi bời này thuần chỉ có tác dụng
thổi ống đu đủ và rồi đều bị quẳng vào sọt rác hết.
Thình
lình Mao hiện ra. Cao lớn, trắng hồng, từ tốn. Đi như khẽ xê dịch, kiểu
như biết mình càng chậm thì người ta càng được ngắm nghía và người ta
càng thích. Thong thả ngả người ra ghế, một chỏm tóc sau gáy liền vổng
ngay đuôi gà, nếp tóc nhờn bết của những người ít tắm gội và nằm là
chính.
Hai bàn tay đặt trên thành
ghế thật đẹp. Tôi nghĩ ngay tới các tối chủ nhật, Trung Nam Hải thường
đón các cháu nữ sinh Trường Múa đến khiêu vũ cùng chủ tịch. Hồng Linh
nói các bạn đi về bảo Chủ tịch thích ôm eo chứ không đỡ lưng.
Mao nói. Ngồi nói. Nói ngọng vì giọng Hồ Nam. N thành L, R thành L. Thí dụ Hội phụ lữ Việt lam lổi lận, - Hội phụ nữ Việt Nam nổi giận. Và s thành x.
Hôm
ấy Mao mở miệng chửi xà-lù (tiếng Pháp: salaud, salopard: đồ đểu - BT)
thủ tướng Ấn Độ. Dám cho Dalai Latma đến sống nhờ trên đất Ấn Độ mà
không bắt giao nộp Bắc Kinh.
- Nie he lu, ta xi xen mo len? Ta xi ban len ban gui dì, ban liu mang ban len xi tì…
(Đúng ra phải là Nie he lu, ta shi shen mo ren? Ta shi ban ren ban gui
dì, ta shi ban liu mang ban ren shi di… Nehru là người thế nào? Hắn là
nửa người nửa quỷ, nửa nhân sĩ nửa lưu manh).
Trước
đó không lâu Bắc Kinh ca ngợi vị nhân sĩ này là đồng tác giả với
Indonesia của năm nguyên tắc chung sống hoà bình. Khi xấp mặt thì bạn
lớn đều hoá ra súc vật hay côn đồ.
Định
cắm cho cái kim vào đít Khruschev và nay ôn tồn, thư thả rủa Nehru thế
mà vẫn kêu gọi toàn thế giới đoàn kết lại. Tôi bắt đầu ngán ông. Đơn
giản từ khi tôi bập vào bài tố cáo tội ác Stalin, từ lúc Mao công khai
nói ra mẹo ác nhử rắn của ông… Không đến gần ông để chụp ảnh. Chả biết
Việt Nam bé tẹo thì ông coi ra cái gì, tự nhiên vận vào đất nước mà thấy
sờ sợ. Bỗng nhớ Cụ Hồ đã nói ai sai thì sai chứ Mao Chủ tịch và Stalin
thì không thể nào sai được.
Sau
đó chúng tôi xuống miền Nam. Thăm nhà Tôn Trung Sơn và Lỗ Tấn ở Thượng
Hải, thăm mộ Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh. Ông lập nên Trung Hoa Dân Quốc
với tấm hộ chiếu công dân Hoa Kỳ ở trong túi - ngày nay người ta sẽ la
làng lên là ông “diễn biến hoà bình”, “tay sai đế quốc Mỹ”.
Rời Thiệu Hưng quê Lỗ Tấn, chiếc Mercedes thẳng chiếu núi Cối Kê mờ xa phóng đi. Trên xe Thép Mới bảo tôi:
-
Tao thích thơ mày, tao lăng-xê lên báo nhưng Ồng Kễnh gọi bảo thơ Trần
Đĩnh là kiểu Trần Dần, không được, tao đành thích thơ mày ở trong bụng
vậy. Khen vệ tinh nhân tạo đầu tiên mà mày viết “Con người ném gương lên
treo giữa các vì sao, ngửng đầu soi thấy mình đẹp quá” thì Kễnh không
xài được. Con người chung chung là đếch được, chiến thắng vô sản lớn thế
mà lại cho con người trừu tượng vào… (Kễnh là Tố Hữu).
Phản
ứng tức thì của tôi là tôi đếch cần Kễnh. Ơ kìa, ngày nào tai tôi nghe
Kễnh bị Trường Chinh nhận xét mặt như hai ngón tay chéo lại học đòi ngậm
píp như Nguyễn Tuân…
Báo Nhân
Dân vừa đăng một bài thơ của tôi viết về những cao ốc mới mọc. “Xây
những ban công giữa trời và những vườn hoa trong óc…”. Dưới chân cao ốc
mới, một bà đẩy xe nôi. “Anh cúi thơm má chú, rồi hôn vào gót chân, mai
kia qua gót chú, anh hôn các tinh cầu…” và Kễnh lắc.
Người
chỉ dịu đi khi thăm vùng chè Long Tỉnh. Những nương chè hai bên con
suối Hổ Chạy - từng hõm sâu dưới dòng nước, dấu vết chân con hổ chạy để
lại. Trên đỉnh đồi um tùm cây, một quán trà thô sơ kiểu cổ. Người phục
vụ múc lên một bát sứ nước suối Hổ Chạy chìa ra trước mặt chúng tôi. Như
có một sức thần bí ở lòng bát, tự nhiên mặt nước phồng nổi lên thành
một mặt kính sáng quắc che đèn pha xe hơi. Người phục vụ đặt lên trên
chỗ nước doi cao nhất một đồng hào thiếc. Nó nổi và lênh đênh ngao du.
Mặt nước có thêm cái nhũ hoa bỗng biến thành một bầu vú lung linh…
Mấy
hôm sau, viếng mộ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương, một phó tổng biên
tập báo ta hỏi bạn nhà báo Trung Quốc ở cạnh: “Chắc đồng chí liệt sĩ đây
cũng quê ở Hồ Nam?”.
Kiểu ở ta thì Nguyễn Thái Học quê Nam Đàn.
***
Chia tay với đoàn báo về nước ở Nam Ninh, tôi ngược Bắc Kinh cũng với chánh văn phòng Nhân Dân nhật báo.
Mấy
hôm sau đến Văn Nghệ báo, cơ quan của Văn Liên (Hội liên hiệp văn học
nghệ thuật) cũng quanh quẩn Nhân Dân nhật báo ở Vương Phủ Tỉnh thực tập.
Tôi
muốn đi sâu tìm hiểu văn học Trung Quốc và nhất là qua nó nhìn rõ hơn
động thái chính trị của đảng. Tại sao đảng lại hay cho sóng gió nổi lên
trước ở trong văn nghệ?
Tại đây
tôi đã được thấy mặt các đại bút đại danh Trung Quốc như Ba Kim, Lão Xá,
Mao Thuẫn, Tào Ngu, Hạ Diễn. Báo đều kỳ mời các vị đến chỉ giáo tình
hình và kế hoạch bài vở.
Mỗi khi
Lão Xá nói tôi lại ngỡ ông đang trình tấu mẫu chuẩn tiếng Bắc Kinh ông
cất gửi tại Viện đo lường quốc gia. Nhìn ông và Ba Kim, tôi cố mường
tượng ra dấu vết nước Anh, nước Pháp hồi các ông bên đó, dạy học bên đó.
Không thấy. Lão Xá nom quá sơ sài. Thì cũng không một dấu vết nào cho
thấy những ngày tháng đen tối khốn đốn mai hậu của các ông. Ai ngờ nổi
sau này Lão Xá bị Hồng Vệ Binh đánh chết quẳng xác ra ven một cái hồ ông
hằng yêu mến. Ông nằm bên hồ, phủ một tấm chăn. Người ta mời vợ ông ra.
Bà toan vén chăn nhìn mặt chồng lần cuối thì người ta đẩy bà ra:
- Xem có phải đúng là giầy chồng bà không? - Đúng! Thế hả, được rồi.
Nhìn
chồng lần cuối không được, chôn cất chồng không xong. Ai ngờ được,
trong mười năm giam cầm, hành hạ, Ba Kim sẽ nhảy tưng tưng, giơ tay hét
“Đả đảo Ba Kim” để rồi sau này, hồi tưởng lại, ông phải kêu lên rằng ông
có ăn cháo lú đâu mà có thể há mồm hô đả đảo ngay chính mỉnh, có thể
cam tâm để cho kẻ khác tước đoạt mất quyền làm người của mình mà không
hề có chút mảy may nào phản ứng…
Diệp
Quần, một nữ biên tập viên coi mảng điện ảnh, hay tha tôi đến đại sứ
quán Liên Xô xem phim chiếu nội bộ và chả thứ gì lưu lại ấn tượng mạnh
bằng bà biên tập viên văn nghệ hết sức Tây phương. Tân kỳ, trẻ, xinh xắn
và rất diễn viên, rất diện. Toàn giầy da kiểu escarpin đế mỏng mầu sô
cô la, đỏ, nâu, trắng… Sau này nghe vợ Lâm Bưu là Diệp Quần, tôi giật
mình: ngay ngày ấy tôi đã ngờ chị là vợ một cốp to lắm. Cung cách sang
trọng, điệu đà một cách hào sảng và tự tin như vậy ở Bắc Kinh là phải có
một bối cảnh chính trị lớn như thế nào.
Tôi có hai anh bạn thân là biên tập viên của báo.
Một
hôm hai anh nói mai chi bộ các anh nghe Chu Dương, Bộ trưởng tuyên
truyền trung ương đảng truyền đạt một chỉ thị quan trọng của Chủ tịch.
Tôi đề nghị cho tôi nghe boóng.
Các
anh nói sẽ xin ý kiến đảng uỷ tờ báo. Chiều các anh bảo tôi trên Bộ
tuyên truyền trung ương đảng nói không nên vì tôi là đảng viên nước
ngoài. Nhưng hứa sẽ cho tôi biết tinh thần chỉ thị.
Hai
hôm sau, giờ cơm trưa, hai anh và tôi ra phố. Hai anh lộ ra cho hay cái
chỉ thị có thể gọi là chỉ thị “bom nguyên tử ném thì ném, không sợ!”
Chủ tịch nói chúng nó cứ doạ bom nguyên tử. Hòng buộc chân trói tay
chúng ta lại mà. Việc gì phải sợ? Vì Mỹ dẫu cho có ném xuống một nghìn
quả bom nguyên tử, dẫu trái đất có bị tan hoang đi nữa thì ít nhất cũng
còn sót lại một huyện dân Trung Quốc, huyện dân ấy sẽ đi ương lại giống
người trên quả đất này…
Tôi rợn
người. Sợ cái tính toán chi li này hơn cả sợ bom nguyên tử. Cũng thoáng
một chút ghen tị: thế ra Trung Quốc sẽ được đi cấy tái giá lại giống
người trên quả đất. Trong khi những Lào, An-ba-ni thì trống huếch trống
hoác còn Việt Nam may lắm trời cho sót lại vài ba anh đực rựa vô dụng vì
teo hết nhẵn hai hột tinh hoàn.
Chỗ
nghe, nghe sang tai, ở gần cửa hàng quốc tế, kiểu cửa hàng cạnh Phú
Gia, Hồ Gươm Hà Nội. Chỗ này đường bảy tám chục mét rộng, thoáng đãng,
gần Vương Phủ Tỉnh mà tôi thấy ngạt thở. Ở cửa hàng này tôi hay bị người
coi cổng đẩy ra, nghi tôi đồng bào cải trang giả làm nước ngoài vào mua
lậu gấm với nhung đem ra bán lại. Một lần tôi bảo anh ta: “Người Trung
quốc chúng ta không có thói xấu nhận vơ là người nước ngoài đâu đấy
nhớ!” Anh ta ngẩn ra nhìn tôi. Tôi vào lượn một vòng quay ra nói: “Kan, mei mai shen mo! Trông đấy, không mua cái gì cả”. (Kỳ thật không có tiền).
Hôm nay nhìn nó tôi nghĩ mai kia toàn thế giới đều Triệu, Lý, Trương, Vương cả với nhau thì hết sợ lầm đồng bào với dị bào.
Chuyện
“chỉ thị quan trọng” này về nước tôi có nói với Nguyễn Tuân. Tuân bảo
các nhà văn ta cũng được nghe Hoài Thanh truyền đạt là cho dẫu Mỹ có ném
đến một nghìn quả bom nguyên tử xuống cũng không sợ. Tuân bèn giơ tay
hỏi thưa anh con số một nghìn là anh phát triển lên hay vốn sẵn như thế
ạ, thì Hoài Thanh đỏ mặt nói tôi nghe truyền đạt của trung ương, có ghi
sổ cả đây. Rồi Tuân bình:
- Này
cái hệ thống loa dọc nhà này xem ra thông suốt đáo để. Xa có đến năm
nghìn, đến thế không? Ừ, xa có đến năm nghìn cây lô mếch mà họ truyền
đạt cấm có sai lấy cho nhau một con zê-rô…
Hai
anh bạn ở Văn Nghệ báo đã giúp tôi gặp Lâm Mặc Hàm, phó bí thư đảng
đoàn Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc; Hạ Kính Chi,
phó
tổng biên tập Văn Nghệ báo và Trương Quang Niên, cây bút lý luận quan
trọng của báo, thường ký tên Mã Tiền Tốt. Ông đã cùng quân Tưởng vào
Việt Nam ngả Lào Cai năm 1945, “cờ đỏ đầy Hà Nội lúc bấy giờ, đẹp lắm”,
ông bảo tôi.
Các ông có lòng mời
tôi dạo Di Hoà Viên. Trưa lên quả núi có Phật Hương Các, vào một khách
sạn ngồi ăn ngoài trời ngắm cảnh hồ nước, núi rừng…
Lúc
bấy giờ công xã nhân dân đã mạt kỳ. Nhưng “phong trào thơ xã viên” vẫn
được nuôi. Mỗi lao động mỗi sáng ra đồng đều phải nộp đủ chỉ tiêu bao
nhiêu bài thơ (tuỳ đảng uỷ mỗi công xã đặt). Không nộp đủ thì về, ngày
ấy không công điểm. Các báo ra xã luận ca ngợi thiên tài thơ ca của nông
dân. Thi nhau đăng thơ xã viên mà đặc điểm là rất giống nhau. Ta là
Ngọc Hoàng, Ta là Đại địa, Ta làm nên tất cả… Ta là Lão Thiên, ta là
Long Vương, ta đào núi, ta lấp biển. Ta là Đại hải, ta là Thái dương, ta
không sợ thánh thần cùng ma quỷ… Nếu là nhà thơ nhóc con thì Ta là Na
Tra…
Tức là một tập hợp bách khoa
toàn thư văn vần dành riêng cho một từ TA để cho toàn dân định nghĩa.
Ta là tinh tú, ta là sao chổi, ta là nguyên tử, ta là sấm, ta là sét…
Tựu chung vơ lấy mọi sức mạnh tự nhiên, siêu nhiên. Có một nét không ai
dám ví tới. Đó là không bao giờ nhận mình là đảng, là Chủ tịch, là ta
bảo đảng tiến, ta vẫy đảng đi. v.v… Còn được một chữ sợ làm trần cho mọi
vi vu bay bổng. Nhận mình là thiên địa rồi tự hào vì sức mạnh đó, ấy là
lãng mạn cách mạng. Còn sau đó ta theo ngọn cờ đào, ta theo Chủ
tịch,
ta san núi, ta dịch sông, ta là người lính tốt của Mao Chủ tịch thì đó
là chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Mao để ra phương pháp sáng tác chủ
nghĩa hiện thực cách mạng kết hợp với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng là
nhằm phang chết tươi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Stalin bắt
Gorki soạn thảo.
Chúng tôi hôm ấy
đả phá sai lầm trong văn học nhưng không ai dám nói đến chữ tả khuynh.
Chữ ấy vẫn còn hào quang chói loà và thiêng liêng của nó. Đặng Tiểu Bình
chưa ra mắt để tổng kết cách mạng Trung quốc chủ yếu là tả khuynh và
thật ra chính tả khuynh có hại hơn hữu. Lâm Mặc Hàm bạo nhất thì hôm ấy
nói:
- Proletkul, trò văn hoá vô
sản nực cười đã chết giấp ở Liên Xô từ những năm 20 thế mà người ta lại
đào mồ cho trỗi dậy ghê gớm như thế này ở Trung Quốc thì đáng sợ thật…
Hôm ấy chúng tôi đúng là cùng một lứa chân trời phủ nhận. Đến Cách mạng văn hoá cả ba ông đều điêu đứng. Tôi sớm hơn.
Nhưng
rồi cả ba lại tái xuất giang hồ khi Đặng hạ Mao xuống. Hạ Kính Chi lên
thay Vương Mông làm bộ trưởng văn hoá sau vụ 4 tháng 6 năm 1989 tàn sát
sinh viên ở Thiên An Môn. Vương Mông phái tự do của Triệu Tử Dương, Hạ
Kính Chi phái bảo thủ của Dương Thượng Côn. Tới khi Dương Thượng Côn
xuống thì Hạ Kính Chi lại thôi bộ trưởng. Dương phản đối Đặng Tiểu Bình,
phản đối Đặng đưa Giang Trạch Dân là dân sự lên chứ không phải nhà
binh.
Nên
nói một ít đến Vương Mông. Năm 1957, ông viết truyện “có một người trẻ
tuổi đến vụ tổ chức”. Bị phê phán tơi bời. Bôi nhọ, đả kích công tác tổ
chức của đảng… Đang ầm ầm thì Mao phán là tôi đã đọc, quyển sách tốt
đấy, in ra có sao. In nhưng người liền biệt tích. Miền tây xa thẳm hàng
chục năm trời chăn cừu cuốc đất cho tới khi Đặng Tiểu Bình trỗi dậy hú
hồn cho sống lại tất cả xét lại, hữu, đi đường tư bản tái xuất giang hồ.
Hồ Diệu Bang thảo kế hoạch nhân sự mới: Vương Mông làm bộ trưởng văn
hoá…
Những Hồ Phong, Lâm Ngữ
Đường, Hồ Thích, Lý Tông Ngô, Du Bình Bá… phản động đều được sạch sẽ trở
lại. Hồ Phong làm cố vấn cho Bộ văn hoá, nghe đâu tiền lương truy lĩnh
và bồi thường danh dự nhiều quá xá. Thấy đảng sòng phẳng, ăn tiêu ra
người lớn, Hoa kiều mạnh bạo rót tiền và chất xám về…
***
Di Hoà Viên về, tôi viết thư cho Trường Chinh. Nhận xét đảng ta hay bắt chước Trung Quốc mà Trung Quốc thì rất tả khuynh…
Trường
Chinh trả lời. Tự tay anh viết chữ Trung Quốc (rất đẹp) trên phong bì.
Cảm ơn tôi. Đề nghị tôi nghiên cứu thêm mấy vấn đề như văn nghệ sĩ đi
vào thực tế, chủ nghĩa hiện thực cách mạng kết hợp chủ nghĩa lãng mạn
cách mạng. Nói đã chuyển thư tôi sang Tố Hữu để anh ấy nghiên cứu. Cuối
thư viết tôi phê bình đảng ta “tắp lắp của Trung Quốc nhiều là rất
đúng”. Nguyên nhân vì sùng bái nước ngoài, vì trình độ lý luận thấp và vì kém tổng kết kinh nghiệm.
Tôi không nghiên cứu hai vấn đề anh đề nghị. Thấy vô bổ.
Lúc
đó tôi chưa biết Trường Chinh đã bàn giao quyền Tổng bí thư cho Lê
Duẩn. Nghĩa là anh có thể nghĩ tôi phê ta tắp lắp Trung Quốc quá xá là
nói móc anh - như nhiều thân tín cũ của anh đã quay giáo - nhưng anh tin
tôi lòng thành yêu mến anh và hơn nữa biết tôi không phải thứ người
cạnh khoé.
Tháng 8, nhận bằng tốt
nghiệp, chuẩn bị về nước. Quá bịn rịn. Không chỉ với Linh còn ở lại
thêm vài tháng mà bịn rịn với cảnh với người Trung Quốc.
Chi
bộ họp phiên cuối cùng rồi giải tán. Nhận xét tôi phải hết sức cảnh
giác tư tưởng lập trường, về nước tôi rất dễ phục vụ giai cấp tư sản như
“bọn” Nhân Văn - Giai Phẩm. Rất tức nhưng cố nín.
Nhà trường biết tôi không có thứ đựng đồ đạc, chăn màn, sách vở đã mua cho một thùng gỗ thông vừa đập hòm xong.
Ra ga tiễn tôi có Hồng Linh, hai bạn biên tập viên và một chị ở văn phòng Văn Nghệ báo. Chụp ảnh ở sân trường…
Các
anh chị, tôi không thể nào quên. Giả như những năm sau đó các anh chị
có hô lạc điệu đi nữa, tôi cũng chẳng giảm tình. Nói thế thôi chứ
chắc
chắn các anh chị đều không thoát cảnh nạn nhân. Từ ngày chúng ta quen
biết nhau và thường loanh quanh vùng Vương Phủ Tỉnh mỗi trưa, tôi đã
biết các anh đứng ở đâu trong bảy “phản” mà cách mạng văn hoá phải tiễu
trừ rồi.
Trên tàu gặp vợ chồng Hồ
Bản Anh, phân xã trưởng Tân Hoa Xã Hà Nội. Nửa tháng sau, Hoàng Tùng
chiêu đãi họ, tôi dự. Bản Anh ố to một tiếng và như tụt mất cả kính
trắng kêu lên:
- Thế ra là người Việt Nam? Tôi cứ tưởng người Trung Quốc!… Chui cha…, tiếng Trung Quốc nói đẹp quá, shuo di ken piao liang… Lại tưởng người Trung Quốc chứ…
Piao liang là đẹp.
Có thể tôi đẹp tiếng nói. Nhưng đẹp lời thì không.
Hai
năm sau, tôi lao đao: ngọng lời Mao Chủ tịch. Người đã thành đại giáo
chủ, đầu tàu-gió-đông. Con chiên xóm đạo lẻ thường sùng đạo hơn con
chiên thành thị thì phải.