Một sáng tháng 6 năm 1962, Trường Chinh điện thoại gọi tôi.
- Anh hiện có bận gì không? - Anh hỏi.
- Dạ, có việc gì anh cứ bảo ạ, - tôi nói.
- Tôi hỏi anh có bận việc gì lúc này không?
- Anh để tôi hỏi anh Hoàng Tùng… (Lát sau tôi quay lại nói:) Anh Hoàng Tùng nói hiện tôi không bận.
- Thế tốt rồi, sáng mai sáu giờ anh đến nhà tôi. Mang theo quần áo mặc cho khoảng một tuần đến mười ngày nhé.
Đúng hẹn đến. Trường Chinh bảo tôi chúng ta đi Bãi Cháy nghỉ hè nhưng mà tôi có cả việc nhờ anh. Để đến nơi sẽ bàn cụ thể.
Vợ
chồng Trường Chinh, Huấn, vợ Đăng Xuân Kỳ ngồi một Volga, tôi cùng
com-măng-ca với Tuất, vụ phó vụ bảo vệ, nhà ở hàng Điếu, gần nhà Đinh
Đăng Định, phó nháy của Bác.
Ở
tại toà nhà sáu cạnh trên sườn đồi nhìn ra vùng biển nhoi nhỏ. Tuất, An,
bác sĩ đi theo - anh bữa bữa phải ăn thử trước thức ăn và bảo đảm thức
ăn không phải là món lưu lại - cùng với tôi ở tầng trệt, gia đình Trường
Chinh ở tầng trên, lên bằng một cầu thang gạch xoáy trôn ốc. Đêm đầu
không ngủ được: đi tuần quanh nhà hay đổi gác, lính hô to quá.
Ngay
tối hôm ấy, Trường Chinh nói anh nhờ tôi viết giúp hồi ký. Anh sẽ làm
việc với tôi buổi tối. Sáng thì thăm mỏ, nhà máy, vịnh Hạ Long, chiều
nghỉ ngơi tắm biển.
Hồi ký về
chuyến anh đi dự Hội nghị trung ương lần thứ 8, tháng 5 năm 1941 tại Pắc
Bó. Viết cả đoạn đi đường lặn lội, li kì có Chu Văn Tấn dẫn lối. Theo
anh, Hội nghị trung ương 8 là hết sức quan trọng với cách mạng Việt Nam
cũng như với cá nhân anh. Trước hết, hội nghị đặt ra đường lối đại đoàn
kết dân tộc, lập lực lượng vũ trang và mở căn cứ địa đánh Pháp đuổi Nhật
giành độc lập cho đất nước dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh tức
Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Vốn là tên một tổ chức cách mạng do
Tưởng Giới Thạch lập ra và hoạt động ở Hoa Nam). Thứ hai, lần đầu tiên
anh gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh. Thứ ba lãnh tụ đã xem
“Đề cương Văn hoá “của anh và Nguyễn Ái Quốc đã chê văn anh Tây.
-
Tôi từ đấy chú ý văn viết thật ta và bí quyết tôi dặn các anh khi viết
hãy dùng nhiều “thì, là, mà” vào chính là bắt đầu có từ Hội nghị 8 ấy! -
anh cười giảng thêm.
Anh không
nói ở hội nghị ấy, với chứng kiến và tán thành của Nguyễn Ái Quốc (lúc
ấy không biết Đệ tam đã giải tán, tôi vẫn đinh ninh Cụ nhân danh Đệ tam
về nước và ở tôi cũng như ở dân ta hồi đó, ngộ nhận này đã làm uy tín
của Cụ tăng thêm lên rất nhiều), anh mới chính thức là Tổng bí thư. Làm
Nam Kỳ khởi nghĩa, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ bị Pháp tử hình và sau đó,
hội nghị trung ương họp ở Đình Bảng quyết định anh Chinh quyền Tổng bí
thư. Ở Nam ra thông báo tình hình, Phan Đăng Lưu đã không nhận vị trí
này vì còn phải gấp vào Nam ngăn cuộc Cao Biền phiêu lưu duy ý chí dậy
non. Có một nét lạ: không hiểu sao từ hồi ấy tôi luôn đinh ninh Lê Duẩn
kế thừa bền bỉ dẻo dai tinh thần duy ý chí tả khuynh này.
Viết
cho Trường Chinh, tôi hơi ngại. Anh là cây bút lão luyện. Dạy tôi từ
chữ “ngày sinh nhật” đến phổng phao chứ không phải “phổng phang”. v.v… Ở
bên anh tôi cảm rõ thấy cốt cách áp đảo của con người anh, nó khiến cho
tôi không dễ bề tung hoành sắp xếp ký ức anh như với những vị lãnh đạo
khác mà tôi mặc sức “Đĩnh hoá” kỷ niệm, cảm xúc cùng ý nghĩ của các vị ở
trong gian phòng tối đầy ma thuật của tôi rồi tôi tráng, rửa, in,
phóng, cắt, ghép thoải mái. (Và các vị cũng vô cùng thoải mái chấp nhận
chân dung đã trải qua nhiều bùa chú văn học của mình). Riêng với Trường
Chinh tôi chắc anh không thích tôi đem tấm vải đen lắm phù phép của tôi
trùm lên các chuyện của anh.
Ngại
viết cho anh nhưng tôi cũng thú vị. Không thể không nghĩ sao anh không
gọi Thép Mới. Hoàng Tùng có lần bảo tôi văn cha Thép gần đây lên dây
phừng phưng ghê quá mà vẫn không cất lên được. (Cái mà Thép Mới tự hào
là có chất chính trị và tư tưởng hơn trong khi tôi chỉ chuộng chi tiết).
Nhưng tôi ngờ có lẽ Trường Chinh thấy Thép Mới đã bỏ anh mà ngả về Lê
Duẩn, Sáu Thọ. Giống Tố Hữu và Hoàng Tùng khi sửa sai cải cách ruộng
đất. Vậy lần nhờ tôi viết này - tôi từng bất bình hỏi anh sao dư luận cứ
nói có chủ nghĩa xét lại ở ta - phải chăng là anh muốn làm một cuộc tập
hợp của chính phái? Chả biết đúng sai thế nào nhưng tôi thấy khoái. Tôi
cùng trận địa với người mà tôi hằng rất đỗi tin cậy.
Nên ngay tối đầu tiên nghe Trường Chinh nói viết Hội nghị trung ương 8, tôi liền thầm hói: sao anh chọn viết đề tài này?
Đó
là bước ngoặt quyết định ở thời kỳ Cách mạng tháng Tám nhưng sao anh
lại chọn đưa nó ra đúng vào cái thời li loạn quan điểm này? Vào cái thời
xu thế tả khuynh sặc sụa đang đo nhiệt tình cách mạng cao thấp ở chỗ có
gan đánh Mỹ hay không và đang coi nhiệt tình cách mạng cao thấp chính
là linh hồn của cách mạng. Vào cái lúc mà chắc anh cũng nghe thấy cán bộ
đảng viên đang xì xào rộng rãi rằng anh “bênh Khruschev” và Lê Duẩn gần
đây hay nói đến đầu óc cá nhân khiến cho có vị lãnh tụ xưa sẵn sàng lên
đoạn đầu đài mà bây giờ lại không dám hy sinh và người ta tán thêm rằng
Lê Duẩn ám chỉ anh và cả Cụ Hồ. Rồi nhỡn tiền, vở “Con Nai Đen” của
Nguyễn Đình Thi cạnh khóe anh đã được cho diễn, rồi được Tố Hữu rước lên
mây xanh ở trên chính ngay báo đảng, tờ báo do tay anh, trí óc anh dựng
nên.
Tôi nghĩ và thú vị. Trường
Chinh chọn cách ra mắt bằng hồi ký lúc này chứng tỏ anh không dễ mà chịu
để cho Lê Duẩn ép anh đầu hàng Mao đâu. Và anh lại nhờ tôi. Anh hẳn
phải biết rõ tôi không thích Mao rồi. Tôi rắp tâm sẽ hết sức viết cho
hay.
Lúc này nói đến Hội nghị
trung ương 8, theo tôi, phải chăng Trường Chinh nhằm kín đáo cảnh báo
đường lối tả hiếu chiến của Mao Trạch Đông mà Duẩn và đa số các vị trong
Trung ương hiện đang say đắm?
Tôi
yêu Trường Chinh và không ưa Lê Duẩn. Quan điểm tả khuynh bạo lực của
Lê Duẩn không thuyết phục tôi. Tôi thấy lù lù ở sau nó bộ khung cốt đồ
sộ của Mao. Về đạo đức, và cái này rất quan trọng, tôi không chấp nhận
việc mới hôm nào coi hoà bình và đoàn kết phe như giữ con ngươi của mắt,
thì nay họ đưa những luận điểm sặc sụa nguỵ biện ra lật ngược lại. Thí
dụ nay nói ở Hội nghị 81 đảng cộng sản toàn thế giới, ta phải ký tán
thành chung sống hoà bình vì không muốn phe tan nát ngay lúc đó, còn bây
giờ phải chống Tuyên bố chung ấy thì tung luận điểm vì Liên Xô đã đầu
hàng Mỹ, bán đứng phong trào cộng sản vậy cứ trung thành với Hội nghị 81
đảng nữa là nguy hiểm… Hay Đại hội III đề ra “chiếu cố miền Nam” thì
nay phải “giải phóng miền Nam” mới xây dựng được miền Bắc!
Vào
việc, nghe Trường Chinh nói, tôi tranh thủ ghi lại thật đầy đủ. Không
hỏi vặn hỏi vẹo lắm như với Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm.
Những
cuộc đi thăm đi chơi hằng sáng rất thú vị. Ngồi tàu dạo khắp Hạ Long,
lên cả đảo Tuần Châu. Nhưng khi đi qua hòn đảo có bãi cát nhỏ xinh xắn
mà Cụ Hồ và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Titov đã ghé chơi ở đó, tôi không
thể không trạnh lòng. Các dân “Mao-nhều” ở báo Nhân Dân từng xì
xào việc Cụ “kéo” Titov ra giữa chốn trùng dương vắng vẻ mịt mù. “Ở đấy
bàn bạc với nhau cái gì thì bố ai mà biết được!” (Nói rồi lại liếc nhìn
tôi! Riêng T.D.T. một lần nói với tôi rằng Titov có đưa thư riêng cho
ông Bác nhưng sau đó khi tôi hỏi lại thì anh trợn mắt lên và gần như tru
tréo:
- Này, đây là anh nói ra đấy chứ không phải tôi đâu nhá! Đấy anh vừa nói đấy thôi, ai hỏi là tôi bảo anh nói…
Tóm lại nay chỉ còn Bác Mao thiêng. Bác Mao thôi rất xa, Bác nay ốp sát bên ta mà thay Bác Hồ. Tôi đôi ba phen muốn nói thế để chọc lại Mao-nhều.
Một
buổi chiều ở Bãi Cháy, chúng tôi ngồi xuồng cao su biệt kích dạo chơi
trên vụng nhỏ trước nhà sáu cạnh. Thay bọn tôi ngụp lặn, Trường Chinh
đòi xuống. Xuống dễ, lên mới rầy. Anh bám vào mép xuồng để lên là cả
xuống với chúng tôi ở trên lật úp. Anh vừa cố bám lại vào xuống vừa cười
thú nhận: “Tại bụng to quá đấy mà…, bụng to quá mà”. cuối cùng hai anh
bảo vệ đùn bên dưới, Huấn, con dâu anh và tôi Quỳ ở trên xuồng kéo anh
lên. Đầu gối tôi chảy máu ra vì trượt mãi vào cát đọng vón lại ở trên
xuồng.
Tối ấy, trước khi làm việc
anh kể tôi một chuyện liên quan đến bụng to. Ở đường đi trong Chủ tịch
phủ gần chỗ Bác, một hôm anh thấy một hàng cây dầy trồng chắn ngang. Anh
hỏi ai làm trò kỳ cục này. Thì được biết là Bác. Buộc ai đến đây cũng
phải nhảy để cho bé cái bụng lại. Nhớ là, Bác dặn, không được phạt ngọn,
cứ để cây lớn, khi nào không nhảy qua được Bác sẽ tính sau…
Thời
hạn đã hết. Anh đã xong phần kể, từ nay công việc chủ yếu thuộc về tôi.
Tối trước hôm về Hà Nội, anh và tôi làm việc buổi cuối cùng. Anh hỏi
tôi cần gì thêm nữa. Tôi nói không nhưng viết chắc sẽ khó.
- Vì sao? - Anh hỏi.
- Tôi tự nhiên thấy thế ạ. Có lẽ vì anh là cây bút lão luyện, - tôi nói.
- Tôi nhờ anh vì tôi tin anh viết tốt. Tôi chỉ viết văn chính luận, còn văn học thì phải cần đến anh.
Bất chợt tôi hỏi:
-
Có thể nói Hội nghị trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó là bắt đầu chấm dứt
thời giáo điều mạo hiểm tả khuynh kéo dài của đảng được không anh?
Ngồi
bật thẳng dậy, nhô người về đằng trước, Trường Chinh nhíu lông mày
nghiêm nghị nhìn tôi, rồi rành rọt từng tiếng như đang có nhiều người
chứ không phải mình tôi nghe:
-
Không! Anh nghĩ không đúng. Đường lối của đảng ta là liên tục phát triển
có kế thừa, không có chuyện thay đổi đường lối cũng như chấm dứt cái
này cái kia.
Tôi
im nhưng bụng không thông. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội rồi đại đoàn
kết cả với địa chủ và tư sản mà lại bảo từ xưa vẫn thế là làm sao? Trí
phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ rồi Xô viết Nghệ Tĩnh là đúng thì
sao không cứ thế kế thừa làm lại? Nếu đó là đúng thì sao không vài năm
một lần hay Hội nghị trung ương 8 cho tái diễn Xô viết Nghệ Tĩnh, Nam kỳ
khởi nghĩa?… Cũng thắc mắc tại sao đảng cứ phải giữ tiếng là “đường lối
trước sau như một?”. Nhận sai mà sửa thì càng vẻ vang càng nâng cao
trình độ đang lên chứ?
Xuống nhà, tôi sắp rẽ ở khúc cầu thang lượn xoáy ốc thì anh gọi. Tôi quay lại đứng trước mặt anh:
- Không được ló ra ở đâu cái ý anh vừa hỏi tôi. Nhớ đấy! Đây là chỉ thị của tôi.
Vẻ
như anh lo cho tôi. Nhưng ngay sau đó tôi lại thấy anh sợ tôi nói ra
thì người ta sẽ tưởng tôi là loa tán phát quan điểm của anh. Tình hình
này, Mao-nhều không thể không hỏi Trường Chinh đưa Trần Đĩnh đi chơi ở Hạ Long lâu vậy là có chuyện gì?
Nhưng rồi thấy hơi khoa trương, Trường Chinh giơ một tay lên nhoẻn cười rồi nói:
- Thôi, anh xuống được rồi đấy. Cần nhớ như thế cho tôi.
Tôi
lại hiểu cái cười này đang nói: “Này, anh láu lắm, anh không moi được
gì ở tôi đâu. Nhưng anh hỏi như thế là anh hiểu tâm sự tôi rồi đấy. Hiểu
tâm sự thì tốt, thì viết mới đạt và hay…”
Tôi
bám vào một điểm: anh bác ý kiến tôi nhưng không hề nhắc lại chữ tả
khuynh của tôi mà chỉ nói không có chuyện đảng ta chấm dứt cái này chấm
dứt cái kia… Anh phải vague, - mơ hồ, kín đáo như vậy vì chính sự thật là anh có nghĩ như vậy.
***
Tôi đã phụ lòng gửi gắm của Trường Chinh. Viết không được!
Trước hết tôi không còn bụng dạ để viết. Thế giới nổi lên vụ tên lửa Khruschev đưa vào Cuba và ngày ngày tôi phải nghe Mao-nhều
ở báo ra rả chửi “thằng trọc” lúc tả (đưa tên lửa vào) lúc hữu (lẽ ra
uy tín bị sứt mẻ rồi thì đánh luôn cho bỏ con mẹ nó đi chứ lị!) Tôi bảo
các ông coi đánh Mỹ như thiến chó ấy.
“À,
chính thế, tất cả là ở cái khí phách Võ Tòng. Có thì nhìn giái Mỹ bằng
quả ớt, không có thì nhìn bằng cái thượng lương sắp rơi xuống đầu…”
Trưởng
phó ban ở báo nghe truyền đạt ý Cụ Hồ nói đưa tên lửa vào được thì tốt,
mà nếu không được thì rút ra thôi chứ có làm sao? Và ý Trường Chinh
giải thích ở Quốc hội: kẻ cướp nó đang đấm cửa mà ta bất thần mở toang
ra có khi lại làm cho nó ngã đấy! Rõ ràng hai vị đều chống lại luận điểm
Bắc Kinh đang túm lấy dịp này bôi nhọ Liên Xô và Khruschev, cổ vũ chiến
tranh với Mỹ.
Phạm Lợi đưa tay che miệng bảo tôi:
-
Ông lạ quá, ông cứ hăng hái ghi tên xung phong đi sang Cuba đánh Mỹ thì
hỏi có mất gì đâu nào? Mai kia Khơ nó không cho tàu chiến chở quân thì
bám cây chuối hột với lại hai cái hột sẵn có làm phao mà sang chí nguyện
à?
Cứ quãng mười giờ sáng, Nguyễn Thành Lê lại tủm tỉm cầm một tập dầy tin tham khảo đứng ở sân gọi to:
- Nghe tin Trọc (Khơ, Khruschev) không?
Ầm ầm bâu đến. Vỗ tay, reo, ríu rít kết đoàn. Hét to nhất, lộ mặt nhất, lắng xắng nhất là cán sự 5 Hữu Thọ.
Đúng là phát chẩn tin vàng tin bạc.
Một
buổi họp trưởng phó ban, sau khi chửi Tổng bí thư các đảng cộng sản
Đông Âu đã dốt lại hèn, làm tay sai cho Liên Xô, Hoàng Tùng chỉ vào mấy Mao-nhều nói:
- Các tướng này sang Ba Lan và Đức, Tiệp thừa sức làm Tổng bí thư…
Nhìn
mặt mấy người được điểm danh, tôi hiểu hết tục ngữ “được lời như cởi
tấm lòng”. Hạnh phúc đúng là đang rịn ra ở trên những bộ mặt chợt mềm
chảy xuống vì xúc động.
Không nhịn được, tôi nói rất to, như quát:
- À, đến thế nữa cơ ư? Tôi sẽ hỏi anh Trường Chinh!
Tất cả cười ồ. Một vài cái liếc chế giễu về phía tôi như bảo “đi mà mách!”
Tôi
liền chột dạ. Họ đã biết một cái gì mới? Hình như có một tổng hành dinh
ngày đêm phát đi những động thái cơ bản trong cuộc co thắt chí mạng của
cỗ dạ con đường lối và nhân sự bí mật này.
Họp xong, Lưu Động bảo tôi ở ngay dưới gốc cây đa ngoài cửa phòng họp:
- Tớ lạy cậu, cậu hãy bình tĩnh!
-
Thế là họ muốn nổ chiến tranh à? Họ muốn biến đất nước thành ra bãi
chọi trâu à?… Hay gì đánh nhau? Thế là thiên hạ sẽ đại loạn cho Trung
Quốc nhờ, như Mao nói đây!
Khốn
nạn, đại loạn là cách mạng, yên bình là phản cách mạng, nói ngang như
thế mà nghe lại sướng mê sướng man lên với nhau kìa! Khốn nạn! Tôi quát
to hơn.
Lưu Động chắp tay lại:
- Thôi, tớ lạy cậu, lạy cậu!
Tôi nói rất to, mấy tướng Mao-nhều đang khoái trá ở trong phòng họp bước ra đều ngoảnh lại.
- Lòng yêu nước gì mà toàn xây dựng trên việc chửi bố chửi mẹ nước khác lên như thế chứ?
Tôi
biết lúc này lòng yêu nước đang được đun sôi lên xình xịch làm một thứ
cháo lú. Nhưng ý nghĩ này tôi không dám nói ra với bất cứ ai. Kẻ nào bị
lên án không yêu nước - bằng chứng dễ thấy thôi: nó không dám đánh Mỹ -
thì kẻ ấy chết đầu nước. Người ta có vẻ đang dựng giàn tế để kén lấy vài
tên phản diện - những đứa đã mất lòng yêu nước - đưa chúng lên đó làm
một cuộc hiến sinh cho cả vạn đứa sợ. Buồn cười!
Chửi tất, trừ Mặt Trời Hồng.
Tôi ra Bờ Hồ, mệt như mới ốm dậy. Vài tháng trước tôi vừa trả Chế Lan Viên quyển Zarathoustra a dit
- “Zarathoustra đã nói” mà anh tặng tôi. Không hiểu sao lúc này đi một
mình ven hồ lô xô bóng cây, tôi bỗng nhớ đến cái bóng của Zarathoustra
chuyện với Zarathoustra và nảy ý có lẽ nên cố viết một truyện về chủ
nhân và cái bóng của hắn.
Cặp
nhân vật này cứ đêm đến lại thì thầm lên sổ thu chi được mất với nhau.
Chủ nhân mất nhiều, rất nhiều, tóm lại toàn bộ bản ngã hắn… Nhưng bù lại
cái bóng của hắn lại thu về rất nhiều. Địa vị, quyền lợi, tên tuổi. Tóm
lại vớ bẫm. Và rồi cái bóng cứ thế lớn ra, trùm lên chủ nhân, hoá thành
hào quang lý tưởng dắt dẫn chủ nhân và chủ nhân không còn.
Nhưng
chán ngán vì lý tưởng đang vụn vỡ thành các mảnh vụn, tôi đã coi chuyện
viết là thứ phù phiếm, thậm chí sai lầm, và rốt cuộc thì tét hết.