Tôi muốn nói hai bài báo trên Nhân Dân liên quan đến tôi.
Bài
đầu là viết phê bình “Khói trắng”, phim ca ngợi công nhân nhà máy xi
măng Hải Phòng đã ngừng sản xuất bất cần đảng uỷ và ban giám đốc để chữa
máy cho có năng suất cao.
Phạm Văn Đồng giục báo phê bình. Hoàng Tùng bảo tôi:
-
Phải thấy anh Đồng quần soóc tìm tôi đang tập thể dục ở sau cây đa và
một lần nữa xuống tận nhà ăn còn có mình tôi tập thể dục muộn để nhắc
tôi lần thứ ba.
Tôi nói:
- Có đáng om xòm gì đâu anh?
Nhưng vẫn đành viết. Chiếu lệ. Ký một cái tên vu vơ, đại khái Nguyễn Thành gì đó.
Sáng
hôm báo đăng bài ấy, tôi ra Thuỷ Tạ ăn sáng thì vồ phải đúng Tiến Lợi,
đạo diễn bộ phim láng cháng đi qua. Tôi kéo anh vào mời cùng ăn bí-tết,
cà phê. Bảo anh là tôi đã bị yêu cầu viết phê bình phim của anh tuy thấy
nó chẳng đáng bới ra.
Tiến Lợi cảm động:
-
May là ông chứ đứa khác thì chuyến này được dịp nó xin tôi tí tiết phải
biết. Ông ơi, từ đầu đến cuối bộ phim, Ngài xem kỹ lắm. Ông lạ gì ở ta
phim nào cũng đều là phải Ngài duyệt cả. Có khi còn cao hơn cả Ngài nữa.
Trần
Vũ làm một phim hợp tác xã mà ông Lê Duẩn gọi đến hỏi anh có biết hợp
tác xã là gì không? Là làm ăn lớn! Trần Vũ sau đó bảo: “Gì chứ làm ăn
lớn như Cụ phán thì dễ thôi. Cứ cho người và trâu bò, thúng mủng, cuốc
xẻng, nón mũ ra đen ngòm đồng là không kêu em làm bé được nhé. Không ư?
Máy kéo đếch có thì chỉ có đếm mông mà coi là làm lớn hay bé thôi chứ?
Mông quá chứ, ra đồng đều là cắm đầu xuống đất cả…”. Phim “Khói trắng”
tôi cũng thế. Ngài phán tốt, phán từ lúc còn là âm bản. Thành dương bản
Ngài lại xem lại phán tốt: Phim này sờ gáy khối cha bảo thủ đây, Ngài
nói. Cuối cùng đến khâu phát hành có cho chiếu không thì lại cũng phải ý
kiến tối thượng kiêm tối hậu của Ngài nữa chứ, đâu phải bọn tôi muốn gì
thì muốn… Bây giờ trơ ra mình tôi chịu đòn…
Ngài
đây là Tố Hữu. Nếu biết Tố Hữu đỡ đẻ bộ phim này như Tiến Lợi vừa nói
thì liệu tôi có dám móc Ngài “sản phu” (không phải phụ) lên để buộc Ngài
cùng chịu liên đới trách nhiệm không? Chắc không. Mà có dám thì bài báo
đến cửa Hoàng Tùng cũng rụng. Tố Hữu chuyên đánh trống thổi kèn thúc
quân thẳng tiến, Phạm Văn Đồng đến lúc cần gắn hàm thiếc vào cho cỗ máy
sản xuất mà thật ra chả vị nào ở ta hiểu phải xoay sở với nó như thế nào
thành đâm ra ông chẳng bà chuộc.
Trên đường về toà báo, ngán cho mình, tôi đã vòng lên tận đầu Khai Trí Tiến Đức cũ rồi mới quặt lại, khá buồn.
Tôi
chẳng qua chỉ là cây bút vệ sinh công cộng quét lá quét lẩu xì xằng sao
cho nghe cứ là soàn soạt thật to ở bên tai một số người thế thôi… Thế
mà tại sao không nghĩ tới chữ bồi bút? Nhận ra bản mặt không phải chuyện
dễ.
Bài thứ hai quan trọng hơn nhiều.
Liên
hoan sân khấu 1962 xôm trò. Nhiều kịch diễn. Gây xôn xao có “Nhật ký
Địa chất” của Thiết Vũ và “Con Nai Đen” của Nguyễn Đình Thi.
Trong
hội diễn, Phan Ngọc, thư ký của Tố Hữu đã dạm trước với tôi một “bài
tổng kết theo ý anh Lành”. Sau bế mạc, Phan Ngọc đưa cho tôi bài viết đã
hẹn.
Tôi đọc ngay ở sân báo, nói:
- Không thể khen “con Nai Đen là một thành công
- Anh Tố Hữu đánh giá đấy, - Phan Ngọc nói.
- Nhưng báo đảng thì nên thận trọng. Tôi thấy nên sửa đi. Đừng vội nói là thành công, cần được đăng báo.
Phan Ngọc hỏi ngay vậy sửa thế nào. Tôi nói sửa “Con Nai Đen” là một thành công thành “một thí nghiệm đáng hoan nghênh”.
Phan Ngọc reo lên:
- Hay! Giỏi!
Nhưng
hôm sau anh lại mang chính bài báo ấy đến. Cười bảo anh Lành đã xem, đã
sửa và đã ký tên ra lề đây. Nghĩa là chỉ có đăng thôi, miễn bàn, miễn
mó máy.
Câu tôi sửa hôm qua đã
được Tố Hữu chữa lại thành: “Con Nai Đen” là một thành công đáng hoan
nghênh (chữ “thí nghiệm” của tôi bị dập đi, nhưng chữ “đáng hoan nghênh”
thì được giữ để làm tên lửa đẩy cho chữ thành công đã được mực đỏ long
trọng khều vớt lại). Nơ-ron tôi đã bị Tố Hữu bẻ đôi lưu dịng một nửaa đê
nâng cấp “Con Nai Đen” lên!
Hôm sau báo đăng bài này. Khoảng mười giờ, tôi nhận điện thoại Trường Chinh. Hẹn tôi hai giờ chiều lên gặp anh.
Đầu
tiên tôi cần đi lùng cho ra Như Phong. Phải sục đến dăm ba chiếu rượu.
Rồi kể qua sự tình, bảo anh chiều nay cùng lên Trường Chinh. Chuyện quan
trọng không thể chỉ phó lên tuy phó tôi làm là chính và tuy chỉ phó tôi
được gọi.
Trong phòng khách, cái chỗ tôi quá quen thuộc, tôi và Trường Chinh ngồi trên đi văng, trước mặt là Như Phong.
Trường Chinh nghiêm nghị nhìn tôi hỏi, dằn giọng tuy cố giữ bình tĩnh:
-
Anh làm ở báo nào? Đúng, tôi hỏi là anh làm ở báo nào? Anh làm ở báo
đảng mà anh đi khen “'Con Nai Đen là một thành công đáng hoan nghênh” ư?
Tôi hỏi các anh căn cứ vào cái gì mà khen tướng lên như thế? Anh có
thấy đây là một vở kịch équivoque, ambigue, mập mờ, nước đôi, cạnh khoé
không? Tôi đã hỏi “người ta” (không nói rõ tên nhưng tôi chắc là Nguyễn
Đình Thi) vở kịch này nhằm chửi ai? Người ta bảo là chửi Kennedy! Ô hay,
Kennedy tổng khởi nghĩa thành công bao giờ mà rồi bị mê lú suýt mất
nước, phải nhờ đến pho tượng? Tôi vặn thế thì người ta bảo chửi Tito.
Chửi Tito thì cứ réo thẳng tên ra mà chửi chứ sao phải mập mờ? Người ta
lại nói đây là chửi Khruschev! Đồng chí Khruschev làm sao mà chửi? Tôi
hỏi anh. Anh có nhớ tôi đã bảo anh nếu thấy ai chửi đồng chí Khruschev
thì nói với tôi để tôi báo cáo lên Bác không? (Vâng, tôi nói, tôi nhớ,
hôm tôi kể với anh chuyện Bác lên Lạng Sơn bị mưa mà không chịu che ô,
anh đã nói như thế với tôi). Anh Nguyễn Đình Thi là người thế nào? Các
anh không hiểu anh ấy bằng tôi đâu. Hôm nay tôi mời các anh lên để nghe
các anh nghĩ thế nào về vở kịch này, về anh Nguyễn Đình Thi… Nào, các
anh nói xem vì lẽ gì mà khen vở “Con Nai Đen”?
Tôi
bèn thuật lại từ đầu đến đuôi cuộc đấu chữ, cưa cụt chữ và ghép chữ.
Tât nhiên đưa cả bản thảo có Tố Hữu ký và các chỗ tôi và Tố Hữu sửa ra
làm bằng. Trường Chinh cầm xem xong trả lại, nói giọng nhẹ hẳn:
- Thôi được, các anh về, tôi sẽ nói chuyện với anh Tố Hữu.
Đạp xe về, thấy Thi bị điểm danh, Như Phong thích lắm cứ hỏi: “Thằng Thi nhát lắm mà sao nó lại dám trêu Trường Chinh nhỉ?”
Tôi
nói năm 1957- 58, Thép Mới qua Bắc Kinh đã phàn nàn với tôi là hai cha
Tố Hữu, Hoàng Tùng đều nhờ Trường Chinh dạy dỗ nâng đỡ mà nên thì đến
sửa sai Cải cách Ruộng đất, hai cha chửi Trường Chinh ác nhất. Nay Tố
Hữu lập tại gia điện thờ Lê Duẩn thì phải chiêu nạp con công đệ tử mới
như Thi đến chầu văn hầu bóng cho rôm rả. Và vì thế Thi hết nhát! Trường
Chinh nói hiểu Thi là thế.
Đến trước báo Quân đội Nhân dân, trời đổ mưa sầm sập.
Chúng tôi núp dưới mái ô văng nhà Điện Quang. Lấy thuốc lá hút, tôi nói:
- Tố Hữu chuyến này lên to. Bộ chính trị đấy…
- Sao cậu biết? - Như Phong tròn mắt, tru giẩu hai môi lại chờ câu trả lời.
-
Đấy thôi, đang cáu thế mà nghe đến Tố Hữu là cụ thôi ngay. Ngày xưa Tố
Hữu sợ Trường Chinh hơn cọp. Tố Hữu nay đã thế nào và Trường Chinh phải
thế nào thì Thi mới dám bóng gió Trường Chinh lú lẫn chứ. Quen nghe Thi
nịnh, Trường Chinh thấy ngay anh này thờ chủ mới. Xem rồi Trường Chinh
trả miếng lại ra sao.
Tôi
còn nghĩ Tố Hữu đánh trống thổi kèn thúc công nhân tự tiện đóng sản
xuất lại chữa máy thì nay quay sang đánh trống thổi kèn thúc văn nghệ sĩ
phang vào tối đẳng linh thần… chứ đâu là thí nghiệm văn chương nữa
nhưng tôi không nói ra với Như Phong. Ý nghĩ chết người. Tuy vẫn ngỡ nội
bộ lãnh đạo của ta thương yêu nhau hơn nội bộ lãnh đạo Trung Quốc song
tôi đã mơ hồ cảm thấy trong cánh gà sân khấu đang có đồ lề thanh long
đao, mã tấu xê dịch.
Tôi
thầm tin Trường Chinh sẽ rất quyết liệt giữ vững quan điểm, chính kiến
của anh. Tôi không hiểu vi-rút đại loạn của phương bắc có sức lây nhiễm
và phá phách ghê gớm.
Tôi vẫn
nhìn Trường Chinh bằng con mắt hồi Cách Mạng Tháng Tám huy hoàng cờ bay…
Tôi không hiểu “đấu tranh giai cấp ở bên ngoài xã hội” rồi sẽ phải phản
ánh vào trong chóp bu nội bộ đảng. Nghĩa là khi yên lành thì tôi với
anh là đồng chí, khi cần hạ nhau thì nắm ngực bảo nhau là đại lý xấu xa
của giai cấp thù địch.
Cuối cùng
Trường Chinh chịu yên bề nhưng “con Nai Đen” cũng im tiếng. Có lẽ người
ta chỉ cần tạm quệt cho một ít nhọ nồi. Xì xầm trong giới văn nghệ: “Con
Nai Đen” chĩa vào ông ấy vì xét lại, nhụt ý chí cách mạng đấy đấy…
Bắc
Kinh công kích Liên Xô ngày một dữ. Hà Nội phải cho hai ông anh ngừng
tiếp âm. Dân tối tối ngồi đầy quanh cột đồng hồ Bờ Hồ hóng gió trời và
hóng lửa hai ông anh chửi nhau nom có kém náo nhiệt đi.
Thì
hai ông anh lu bù quăng ấn phẩm, tài liệu vào. Hầu như nhà cán bộ nào
cũng đầy sách Bắc Kinh phê phán Liên Xô. Có chủ nhân rất tự hào bầy cả
chồng ở ngay trên bàn trà nước rồi hễ ai đến lại ấp cả bàn tay lên khoe:
- Đọc hết, đều đọc hai lượt hết. Cho thấm. Riêng bài thứ chín thì nghiền hẳn ba lượt! Quá hay! Lý luận thì Bắc Kinh quá giỏi!
Một tối, đến nhà Đào Vũ gửi xe đạp để vào rạp Tháng Tám, Chính Yên trở ra bảo tôi đứng chờ ở hè:
-
Cả nhà nó vợ con sáu bảy người đang ngồi quanh bàn ăn, Đào Vũ giơ tay
nói: “Toàn gia nghiên cứu, anh báo đảng phải làm chứng cho thành tích
nhà tôi về lập trường đấy nhá!
Kim Lân một hôm hề hề bảo tôi:
-
Bi giờ em lại được phong làm thằng lính gác tư tưởng rồi cơ đấy ạ. Khốn
nạn, cái thân em còm nhom nom hãi bỏ mẹ đi thế này mà cũng bắt em đăng
lính đi gác tư tưởng. (Ngoẹo đầu vén tay áo lên cho thấy toàn xương rồi
nhành mồm nghiến răng vờ lên gân).
Sĩ Trúc, giám đốc nha phát hành sách Sunhaxaba thì thào bảo tôi:
- Từ nay tôi được giao cho làm lính canh cổng tư tưởng, này, chết như bỡn đấy.
- Sao không thấy tài liệu Liên Xô đâu cả? - tôi hỏi.
-
Đừng lộ ra đấy nhé. Kễnh (Tố Hữu) chỉ thị cho chúng tớ là đem tài liệu
Liên Xô ban kín đáo cho đồng nát, còn tài liệu Bắc Kinh chửi Liên Xô thì
phân phát kỳ hết. Còn dặn cho một người hai bản cũng không sao. Người
ta có, người ta lại cho mượn truyền đi.
Tài
liệu của Bắc Kinh gồm “chín bài” đại phá xét lại mà cán bộ gặp nhau hồi
ấy thường hỏi nhau đọc đến bài thứ mấy để đo mức độ cập nhật, tức là
lòng dạ sáng tối của nhau. Trường Chinh đã tổng kết đó là “chín quả đấm
thôi sơn của Trung Quốc đánh sập chủ nghĩa xét lại Liên Xô”. Riêng với
tôi thì chúng đánh sập mất lòng yêu mến Trường Chinh bấy lâu nay của
tôi.
Cũng chín quả đấm, còn một luồng gió cách mạng rất độc nữa là sách về Lôi Phong, người học trò trung thành của Mao Chủ tịch.
Buồn
vì thời thế, tôi hay vào trường kịch ở Cầu Giấy chơi. Đang lúc đoàn
thanh niên ở trường phát động học Lôi Phong. Nhìn các nữ diễn viên tương
lai mặt hoa da phấn vừa vào trường nghệ và trường tình cắm cúi nghiền
cái gã moi rác lấy bàn chải đánh răng đã bị vất đi đem về dùng, tôi thấy
thương quá. Để tuyên truyền mạnh hơn cho tư tưởng Mao, Tố Hữu ra lệnh
ngành kịch dựng vở “Dưới ánh đèn nê-ông” của Trung Quốc ca ngợi Quân
giải phóng vững vàng vào Thượng Hải không hề bị sa nga, mua chuộc. Nghe
mọi người xì xào nó quá xoàng, Tố Hữu đã triệu tập các báo đến chỉ thị
“chỉ được phép khen”. Tố Hữu nhấn mạnh:
- Khen chê vở này là vấn đề lập trường, tôi nói lại, ở đây chỉ có lập trường, lúc này lập trường là nghệ thuật.
Có lúc tôi mong Phạm Văn Đồng đứng ra ngăn như với “Khói trắng”. Nhưng trong pha trận mạc này, ông đồng tình với Tố Hữu.
Tố
Hữu đi rồi, Chi Lăng được giao cho lên giới thiệu cái hay của vở kịch.
Tội cho anh. Không nói trái được bụng mình, anh trước sau cứ mấy câu dzở kịch này nó dzỉ đài… dziỉ đài lắm, nó dziỉ… đaài thiệt… thiệt mà… và hết.
Bửu Tiến sau hop keo vai tôi lại thì thầm:
- Dzĩ đại cho nên đ. Diễn nổi… vì bày đàn đạo diễn, diễn viên đều là dzĩ tiểu, đuôi bé tí chỉ dùng để biểu cảm với bề trên được mà thôi…
Tôi bảo anh: “Người ta đang bê Bắc Kinh lên tận mây xanh, không biết liệu có ngày nhào xuống đất đen không?”
Một phản ứng thôi chứ chả có cơ sở gì xác đáng… Nhiều cái điên rồ tôi từng thấy ở Bắc Kinh mà rồi có ai làm sao đâu!
Bửu Tiến giỏi chơi chữ. Anh đã đặt ra các tên Chi Lăng Nhăng, Trần Bảng Lảng, Thiết Vũ Phu… trong giới kịch.
Người
ta đang hăng hái tuyển ngự lâm quân hay “lính gác tư tưởng”. Tôi được
kén rất sớm, sớm nhất. Một sáng Phan Ngọc hớn hở bảo tôi:
- Anh Lành nói tìm Trần Đĩnh bảo hăng và trẻ như Trần Đĩnh thì hãy phất cờ lên! Thời cơ rồi!
Tôi dằn giọng đáp lại:
- Về bảo anh ấy hộ là Trần Đĩnh nói nó chẳng có cờ quái nào hết. Nhớ nói hộ, chẳng có cờ với cơ hội quái nào hết.
Kịp kìm không nói “cơ hội gì? Cơ hội cho đất nước làm bãi chọi trâu ư?
Phải nhìn Phan Ngọc ù té phóng vội đi. Vẻ cái tướng của tôi cũng dữ.
Cơ
quan nào cũng thành hai phe giáo điều và xét lại đả nhau. Có khi thượng
cả cẳng chân cẳng tay. Tất cả rừng rực tâm huyết lao vào cuộc chiến đấu
bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê. Nào ai biết mình là quân cờ trong ván cờ Mao
bày? Cũng chả ai để ý cộng sản Ấn Độ chia hai, theo Mác và theo Mao đối
địch. Nê-pan cũng một Đảng cộng sản M (tức là Mao-ít) và một Đảng cộng
sản M-L (Mác-Lênin). Nhật thì dứt khoát không Mác, không Lê, không
chuyên chính vô sản, chỉ có chủ nghĩa xã hội khoa học. Ba bề bốn bên ai
cũng bảo mình là chân lý. Chính là nhờ đã ngẫm nghĩ về cái sức mạnh cộng
sản giỏi tương tàn này mà trong lúc bị hỏi cung tôi đã viết vào biên
bản: chủ nghĩa Mác-Lê như mảnh trời vỡ rạn, mỗi đảng nhận lấy một mảng
sao vụn nát bảo đó là ánh sáng chân lý của mình.
Nhưng
đến nay, bây giờ khi viết những dòng này, tôi lại hình dung thấy tất cả
phe cộng sản lúc ấy là một chậu nước lớn nhưng đã ngầu đục bị Mao lắc
cho nổi sóng cuộn gió và bên trong chậu đó các anh hùng hảo hán, các kẻ
vệ đạo nghiêng ngửa hò hét huỷ diệt nhau. Trong sóng gió tối tăm ấy của
cộng sản (thiên hạ đại loạn Trung Quốc được nhờ) lập loè một tín hiệu
Mao gửi Mỹ: mi không thấy là ta đánh kẻ thù số một của mi đấy ư? Có chìa
tay ra với ta không?
Tôi
đầu bạc, cái rau bạc và đảng dột tứ bề rồi tôi mới thấy Bắc Kinh đã góp
phần chính làm tàn phe cộng sản và chấm dứt chiến tranh lạnh! Nhưng mà
tốn máu Việt Nam quá. Trở lại một chút bản thảo bài Tố Hữu biểu dương
“Con Nai Đen”.
Sáng lên Trường
Chinh thì tối tôi đến Nguyễn Tuân kể lại câu chuyện quanh bài báo khen
“Con Nai Đen” và cho Tuân bản thảo có hơi thở rừng rực ủng hộ “cái mới”
của Tố Hữu.
Đúng,
Duẩn là cái mới, giới văn nghệ cần lập điện thờ và Trường Chinh là cái
cũ… Biết Tuân thích các văn bản “có bút tích lịch sử” và để báo cho Tuân
thấy được “mạch lịch sử đang rẽ ngang quẹo dọc” như thế. Tuân gật gù
thú vị gấp nó lại làm tư rồi cẩn thận đút vào túi trên bên trái chiếc áo
bà ba đen (các đường chỉ may đều bạc trắng lên, như kiểu quần jeans may
chỉ vàng), lấy tay khẽ đập đập như đe: đừng có hòng chạy thoát.
Đầu những năm 1980, một hôm tôi hỏi Tuân còn giữ bản thảo đó không, tôi cần xem lại một chỗ. Tuân ngơ ngác:
- Ông đưa tôi bản thảo nào nhỉ…? Với lại, vặt vãnh lắm, tôi chả nhớ đâu.
Lúc này Tuân và tôi đã nhạt. Anh và Chế Lan Viên là hai cây bút thượng thừa của báo đảng. Tôi thì bị cấm đến báo đảng…
Chợt nhớ đến hồi tôi đi cung về đã lâu, Nguyễn Thành Long bảo tôi:
- Thời gian Đĩnh đi vắng, ông Tuân có dặn mình thôi từ nay đừng nói đến Trần Đĩnh nữa nhá…, tuy tôi vẫn trọng luỷ cái côté homme (phương diện người).
Ở tiểu thuyết Sang et volupté à Bali,
“Máu và Khoái lạc ở Bali” của Vicki Baum Nguyễn Tuân cho tôi mượn, anh
đề bút chì ở dưới tên sách một dòng rất nhỏ, chữ cỡ co 6, kín đáo nhưng
nắn nót: Năm (tôi không nhớ rõ), ngày này mình đi căng. Tôi đọc mà
thương Tuân. Anh từng bị tù - và anh tự hào, thì đó, dòng chữ nắn nót
như thư pháp mà anh phải cho ở ẩn kia - nhưng đó lại là một vết nhơ: Đại
Việt - anh cẩn thận cho chỗ đặt chân của anh cũng là đúng thôi. Đảng
ghét tì ố chính trị! Vì tì ố này cho thấy anh đã từng không nhìn thấy
đảng, đã bị những tiếng nói bậy bạ chúng lôi dắt anh đi mà chúng thì tất
cả đều là đối địch hiểm độc của đảng ở trên trường trận cướp chính
quyền. Tuân từng có lúc hỏi tôi nếu mà dọn được nước đi xa khỏi ông láng
giềng háu uýnh thích ục thì nên dọn đến đâu. Này, Thuỵ Sĩ hay đay? Tuân
hất đầu gợi ý.
Đọc
dòng “ngày này mình đi căng” tôi lần đầu tiên phát hiện ra rằng ở ta,
yêu nước không được đảng đóng dấu xác nhận là công cốc, thậm chí còn là
điều nguy hiểm. Bởi theo đảng thì ranh giới giữa yêu nước và phản động
vô cùng mong manh.