Con gái tôi ra đời lúc 3 giờ 15 phút
chiều. Đúng 3 rưỡi, Tuyết Minh, vợ Lê Vinh Quốc, bí thư đảng uỷ Bệnh
viện C điện thoại báo tin cho tôi ngay. Chị bị đưa về bệnh viện C làm bí
thư đảng uỷ vì tội “bỏ Tổ quốc” của chồng.
Sáng
sau tôi vào thăm. Con gái nằm ở một phòng tập trung nhiều cháu sơ sinh
khác. Hồng Linh bảo tôi nom con xấu lắm. Mắt sưng như hai quả nhót còn
môi thì như có hai con đỉa bám vào… Tôi không thấy sao hết. Vừa mừng vừa
thẫn thờ. Thương con rồi sẽ chịu đựng bom đạn ra sao…
Đến
trưa, tôi rủ Trần Châu tới Bách hoá Tràng Tiền mua cái chậu tắm tráng
men trắng tinh cho con gái. Hai anh em sắp bước xuống đường sang bên hè
nhà Lafont Lacaze xưa, tôi chán nản nói: Je maudis la guerre, elle abrutit l’ homme.
Mình nguyền rủa chiến tranh, nó vũ phu hoá con người. Nói tiếng Pháp
như sợ có người nghe thấy. Chiến tranh đang là nguyện ước nung nấu sôi
sục, rủa nó là nguy hiểm. Phẩm chất cao quý nhất bây giờ là dám đánh
nhau, hy sinh tất cả mà.
Lúc ấy
giữa ngã tư rộng vắng trưa hè, tôi thấy bơ vơ lạ lùng. Tôi không thích
Mao, mặc dù ông người Hồ Nam, cũng là con cháu của Thần Nông, cụ năm đời
của Lạc Long Quân đẻ ra vua Hùng, mặc dù trong con gái tôi có một nửa
máu Hán, tôi ngờ ông ta ầm ầm phèng la cổ động cho việc mở cái sòng bài
máu này là có dụng ý thâm hiểm không thể nói ra, cái dụng ý mà lúc ấy
tôi ngu không nhìn ra nổi. Cứ ngỡ ông bảo vệ nhắng chủ nghĩa. Ông thiết
cái miếng cho dân tộc ông chứ đâu phải là giữ cái tiếng trong sáng cho
Mác, Lê-nin. Anh nào ngây ngô thì mắc bả ông.
Sáng
hôm sau Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang. Con gái tôi ra đời trúng vào vận
hội “nghìn năm có một” quật ngã đế quốc đầu sỏ nên rửa tội trong khói
lửa!
Nghe Nguyễn Thành Lê, phó
Tổng biên tập nói đến chữ “cơ hội ngàn năm” trong cuộc họp nghiêm trọng
và lặng như tờ của toà soạn đêm hôm thông báo Việt Nam chiến tranh với
Mỹ, tôi hết sức phản cảm. Ôi, chiến tranh mà là cơ hội nghìn năm có một!
Và tôi liền nghĩ ngay: ý này chắc chắn của Mao Trạch Đông!
Ngay
hôm sau, Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, trận bom đầu tiên vào sát Hà
Nội. Tôi tự rủa thầm: Đúng là ghét của nào trời trao của ấy! Anh ghét
bom đạn thì đó, cho anh nếm mùi ngay sau hôm con anh ra đời!
Cháy
rần rật mấy ngày. Khói đen đầy trời. Tàu sân bay Mỹ Constellation ở
cách Đức Giang 150 dặm (240 km) mà trông thấy khói đám cháy.
Tối
tôi đến Kỳ Vân. Thì báo động. Hai đứa xuống đứng ở ngõ hông nhà. Tôi
hỏi làm thế nào cho đất nước khá ra chứ cứ vác rá đi xin về đánh nhau
mãi hay sao?
- Kinh tế tự do thì khá!
Tôi nhìn anh. Kỳ Vân cười:
-
Nông dân vừa được giải phóng đã tước luôn ruộng đất và cùm ngay chân
tay họ ở trong hợp tác xã. Nghe Mao nói tiến lên hợp tác hoá không được
chậm như bà già bó chân mà. Tàu nó bảo sao là bào hao làm vậy. Đánh Mỹ
là gây đại loạn như Mao hô để cho Trung Quốc được nhờ mà. Cách mạng là
đại loạn, không phải là ăn tiệc, nhảy đầm nhưng Mao vẫn ăn tiệc, nhảy
đầm.
Nhìn khói đầy trời, tôi rất chán, tự nhiên đâm ra tầm thường muốn bên xứ sở của Mao cũng khói bom dầy đặc thế này.
Sáng
sau vào bệnh viện thăm vợ con. Gặp báo động - ngày mười mấy lần báo
động. Tôi đứng ở bậc lên xuống toà nhà chính bệnh viện sát đường Trường
Thi. Dưới bậc tam cấp là một dẫy hầm gạch nửa ngầm nửa lộ có nắp bê
tông. Các cô y tá theo nhau khiêng từng cáng lội xuống hầm ngập nước đến
đầu gối, hơn một chục cháu sơ sinh nằm ngang thân cáng, những mảnh gạc
nhuộm mầu cỏ úa phủ kín đi tất cả. Ngỡ như đang cố tình từ bỏ con, tôi
rớm nước mắt nhìn đám rước nhếch nhác những thiên thần giấu mặt thiêm
thiếp hưởng cơ hội nghìn năm có một trong tiếng vo ve của đám mây muỗi
bé xíu, những con muỗi cũng lần đầu ra trận.
Để
lên dây cót cho dân Hà Nội sau trận bom Đức Giang, ta làm một cuộc thị
uy sức mạnh bằng hạ uy thế kẻ thù: tổ chức toà án nhân dân xét xử phi
công tù binh Mỹ tại sân vận động Hàng Đẫy. Trước đó cho áp giải tù binh
đi diễu qua nhiều đại lộ. Đồn rằng đây là sáng kiến của Tố Hữu. Khi Mỹ
ném bom Thanh Hoá và đe ném Hà Nội, Tố Hữu nói một câu xanh rờn chủ
nghĩa lạc quan cách mạng: Ra đây, giỏi thì cứ ra đây, xin mời, sẵn sàng
đón đây, nào! Tôi rất khó chịu nghe báo Nhân Dân truyền đạt hào khí này.
Chiều
hôm ấy, hai ba ngày sau bom Đức Giang, Nguyễn Tuân và tôi ra Cổ Tân
uống bia. Chợt người ào ào từ sau Nhà hát lớn chạy tới. Giải tù binh!
Chúng tôi bèn về quán bia ngã tư Tràng Thi - Quang Trung, chỗ sau này là
nơi bán vé của hãng Air France. Tình cờ Tô Hoài cũng vừa đến. Cùng lúc,
đoàn tù binh hiện ra ở đầu ngã tư công an Hàng Trống.
Khoảng
hai trăm tù binh phi công Mỹ xếp hàng đầy hết lòng đường đi tới. Quần
áo bà ba mầu xám khói nhạt. Tôi giật mình: tất cả đoàn người bị trói kia
sao quá giống hệt nhau? Ở chiều cao, ở khổ người, ở dáng đi, ở nét mặt,
ở tư thế và thần thái. Lầm lũi ngửng đầu nhìn thẳng vào cái không gian
bao quanh đằng đằng sát khí và tiếng la ó. Thoáng rất nhanh tôi ngỡ xem
một tập quần tượng đài di động được một đạo diễn tài ba điều khiển. Nhà
đạo diễn đó là ý thức về giá trị tự thân.
Và rất nhanh lại nghĩ ai đó đã dựng nên tập thể điêu khắc này để đối lại tượng đài Nạn nhân các trại tập trung Quốc xã.
Dân
hai bên đường hò hét, đánh đấm, ném đá. Những cái đầu tù binh quay
ngoắt tránh đá, tránh đấm rất nhanh. Những con mắt không một lúc nào cầu
van, nao núng…
Ba chúng tôi đứng
lặng trên hè. Tương quan sức mạnh quá chênh nhau tự nhiên làm se lòng.
Đoàn tù binh đã đến đoan cuối, chợt Tô Hoài nhào xuống đường, nhảy vội
lên đấm một cái trượt vào mặt một người tù binh đi ở ngoài cùng.
Anh trở lại, tôi hỏi khẽ:
- Đánh người ta làm gì?
- Xung quanh căm thù như thế chả lẽ ba đứa mình đứng yên? - Tô Hoài che miệng tủm tỉm cười.
Tôi
biết anh muốn tránh đòn dư luận cho cả ba. Anh rất hiểu đời. Anh biết
cần yên để viết, chớ trêu ngươi, trêu là toi sự viết đấy. Trên cái bàn
con con rất thấp của anh ở ngay bên trái cửa vào nhà, cạnh bức chân dung
anh do Nguyễn Sáng vẽ - mà bàn tay rất được chú ý đặc tả - anh để tấm
huân chương kháng chiến chống Pháp trong khung kính. Cười bảo tôi: “Công
an đến thấy thì đỡ lôi thôi”.
“Toà
án nhân dân” kiểu cải cách ruộng đất kịp thời giải tán ngay sau cuộc
bêu tù binh. Sài Gòn đe trả miếng y như thế. Cũng bêu tù Việt Cộng. Thế
giới tố cáo Hà Nội vi phạm luật quốc tế về tù binh. Còn tù binh Mỹ về
trại nhất tề tuyệt thực.
Sau ta
đưa họ đến giam ở gần những trọng điểm hoặc sơn cầu Long Biên để Mỹ
không dám đánh phá. Mấy cô diễn viên trong Khu văn công đến biểu diễn
cho các mâm pháo gần nhà máy điện Yên Phụ về nói: Đang hoá trang cho
tiết mục sắp diễn cứ thấy, hế lô hế lồ gọi. Nhìn sang bên nhà máy điện
thì thấy mấy chú Mẽo bị giam trong đó. Các chú bám mép tường nhoi lên
gọi, vẫy, hôn gió. Đồ quỷ, vào tù còn hám gái thế chứ lại.
- Mà phải là gái đẹp và gái chiến thắng cơ! - tôi nói.
Phải
nhận là Mỹ kỳ quặc! Sau khi bình thường hoá bang giao năm 1995, bổ
nhiệm đại sứ đầu tiên sang mà kén một tù binh cũ từng bị giam sáu năm
rưỡi ở Hà Nội. Không ngại mất thể diện ư? Mà ông đại sứ vừa sang là te
te lao xuống ngay Hải Dương tìm cảm ơn người du kích năm nào bắt được
mình.
Và
ông ta thì mới giải lời thề để từ căm thù Việt Nam chuyển sang hữu ái,
thân thiện với ngay những người từng đã hành hạ ông cực kỳ độc ác.
***
Suốt
1966, tôi bận với Bất Khuất. Ngoài làm việc với Thuận, còn gặp khoảng
bốn chục anh chị em tù như Phan Trọng Bình, Trần Quốc Hương, chị Khánh
Phương… Nghe anh Bửu, quê Hoài Nhơn, Bình Đình kể đời anh, tôi vừa ghi
vừa khóc ròng. Xen giữa là những chuyến thăm vợ con sơ tán trên tận Ca
Sơn, Chợ Đồn, Phú Bình, Thái Nguyên. Cụ Bồ râu năm chòm như sóng dào dạt
cho mượn một góc vườn hoang để Linh tự tay dựng lấy một gian lều. Cái
lều này một tuần liền trống hoác, Linh chưa pha tre kịp để đan cửa. Con
cụ Bồ đi lính vào Bê. Cụ thì thào:
-
Đài ta chỉ thấy nói nó chết… nhưng mà đánh nhau thì cũng như xay lúa ấy
chứ anh nhỉ, cả hai má cối đều cùng mòn chứ phải không anh? Lâu quá
chẳng thấy thư thằng con tôi…
- Cụ ơi, má cối cũng có số. Trời thương thì rồi về.
Có
chuyện trời thương thật. Máy bay Mỹ một hôm ầm ầm bay qua, rất thấp. Có
lẽ nhòm xem các băng rôn lính Trung Quốc căng trắng sườn đồi: Kháng Mỹ
viện Việt, Đả đảo đế quốc Mỹ. Linh vội bế con gái nhảy xuống hố cá nhân ở
đầu giường. Chợt Linh giơ con gái lên trên miệng hố và theo bản năng
tôi vội đỡ lấy. Linh đu người lên mặt đất. “Rắn! Bò vào chân Linh, còn
ướt đây này”. Tôi nhìn xuống. Một con rắn lục dài khoảng 25 phân đang
ngóc đầu. Trời lạnh có lẽ nó rơi xuống hố ngủ đông…
Và
con cụ Bồ về thật. Gần vĩ tuyến, đi cùng hai anh lính thì bị pháo 105
li bắn. Một quả pháo nổ bên cạnh. Hai anh đi đầu và đuôi chết, mình con
cụ Bồ sống.
Chủ
nhật 22 tháng 4, tôi đến thăm mẹ vợ chữa lao ở bệnh viện Thái Nguyên sơ
tán về giữa rừng Phúc Trừu vùng chè Tân Cương. Vừa đến chân dốc thấy
bệnh nhân ngồi chồm hỗm trên đỉnh đồi đồng loạt nhìn tôi cười thì ngờ
ngay là có tin xấu. Quả vậy. Mẹ Linh chết thứ Sáu, ngày 20, bệnh viện
đoán con rể Chủ nhật lên thăm nên hoãn chôn.
Cùng
bệnh viện làm biên bản trao nhận các thứ sơ sài còn lại của người chết.
Lật chiếu đầu gường thấy tờ giấy bạc năm đồng gấp tư như một chúc thư
tối giản gửi lại, tôi bật khóc.
Kiên cường sống, kiên cường chịu đựng, chống đỡ rồi nghèo đói, hoạn nạn tay trắng vô cố nhân ra đi.
Tôi
mang về cho Linh một hộp sắt chữ nhật cũ đựng ít đồ khâu trong có một
hộp sắt nhỏ tròn mầu đỏ trước đựng thuốc ho pastille và một chiếc kéo mạ
kền xinh xinh. Nhìn hai cánh kéo, tôi nghĩ đến một thế đứng ba lê. Cho
rằng mẹ cất riêng vào đấy để thỉnh thoảng mở ra nhìn cho đỡ nhớ con gái.
Lần trước tôi lên, mẹ hỏi: “Linh rồi đẻ con gái hay con trai?” cái cười
quá hiền lành. Như lép vế nữa, không biết tại sao… hay người ốm nặng
đều thấy kém phận như thế?
Rời
bệnh viện sau khi chôn cất, tôi về tới lều nhà thì trời xẩm tối. Má nói
gì? Linh hỏi. À, má lại hỏi rồi đây Linh đẻ con trai hay con gái. Má có
vẻ yếu đi, tôi nói.
Tuần sau, đúng ngày Quốc tế Lao động, tôi đạp xe lên. Thấy dân chạy đông bên đường kháo: “Đánh nhau ầm ầm”.
Mấy
cái máy bay rơi, ta lại tưởng nó nên cứ vỗ tay hoan hô. Ai ngờ ta. Mấy
anh lái cháy ra than cả. Tôi là lạ vì nghe trong lời nói như có vẻ cười
cười. Giống các bệnh nhân cười khi tôi đến bệnh viện thì lại gặp mẹ đã
chết.
Chập choạng tối tới nhà.
Linh đang ngồi làm cá trước lều. Những con cá lành canh bé tí teo. Linh
khẽ lấy hai ngón tay nặn ruột cá. Những mảnh vẩy li ti lấp lánh - mà tôi
nghĩ là chất liệu của các vì sao sớm trên kia - lẫn vào những bọng ruột
nhỏ như chiếc đầu kim mọng đỏ. Tôi ngồi xuống bên.
Như linh tính báo trước, Linh hỏi khẽ:
- Má làm sao phải không?
- Má mất rồi. Ngày 20 tháng 4 tây.
Một
tiếng “ớ!”. Bàng hoàng một tiếng. Như túm níu hẫng phải một cái gì. Rồi
hai ngón tay dừng nặn. Những vẩy cá chợt càng lấp lánh, các đầu kim
mọng đỏ càng bụ hơn, bóng đẹp, tròn xoe hơn, nữ trang hơn. Rồi rơi lên
tất cả những lấp lánh chất liệu của sao, của những nụ hoa đỏ bầm là hai
giọt nước mắt. Hai giọt nữa. Hai giọt nữa… Trong vắt. Nhỏ nhoi. Không
một tiếng kêu. Không một tiếng nức nở. Im lặng hoàn toàn. Thanh lọc…
Hai
tháng sau cháu ngoại của bà ra đời là gái. Linh thích chữ Mây. Cố giữ
cho tên thuần Việt, tôi bèn đệm Áng. Cháu sống ở vùng Chợ Đồn, Ca Sơn,
Phú Bình, Thái Nguyên hơn một năm trời. Cho tới lúc nghe mẹ nói ông
trăng kìa thì ngửa mặt lên cười. Biết ngửa mặt nhìn trời nữa khi nghe
nói máy bay. Lúc ấy không cười mà hơi rúm người lại quờ quờ hai tay giơ
về phía mẹ.
Tôi rất buồn bảo Linh:
- Từ bé đã thế này thì dân ta giỏi sợ nhất thế giới rồi đây.
Cách
Trường múa sơ tán nửa cây số, quân đội Trung Quốc kháng Mỹ viện Việt
đóng khá đông. Người con rể thứ hai của má Linh, anh em cọc chèo với tôi
lúc đó ở đơn vị này. Cái gì run rủi khiến Lương Cơ Văn ở Phúc Kiến lại
về quanh quẩn ở cả đây khi mẹ vợ chết? Sau này Cơ Văn bảo tôi: Chúng em
sang thấy người Việt Nam khổ quá…, em vẫn dấm dúi cho họ. Có người nhận
còn chắp tay vái.
Lương Cơ Văn
không biết dân Việt sau này nhất tề nói quân Trung Quốc mượn cớ chống Mỹ
sang vét về nước kho vàng châu báu ông cha ngày xưa chôn giấu lại. Đào
công sự trong lòng núi là để moi vàng. Không, còn chôn giấu súng ống ở
dọc hai bên đường họ mới mở để phòng sau này cần đến thì móc lên dùng
với ta.
Dân, tai mắt của đảng nhưng khác đảng. Không biết “bốn phương vô sản đều là anh em”. Mà có biết thì cũng không dại tin như đảng.