Chương bốn mươi mốt
Xin vượt thời gian gần hai chục năm nói
đến một việc xảy ra năm 1995 vang dội một dạo ở ngay lãnh đạo cao nhất
của Đảng. Vang dội vì đó là tiếng kêu hy vọng đầu tiên mong đưa được ông
thần Công lý ra mắt ở trong cái đảng bất chấp sự thật, lẽ phải, pháp lý
nhưng lại tự nhận là đạo đức, văn minh này. Một “cuộc đại náo thiên
cung” như tôi gọi như thế với nhân vật chính của nó.
Vâng,
đó là vụ đại náo đầu tiên diễn ra ở Trung ương đảng và kẻ đại náo là
Nguyễn Trung Thành, nguyên vụ trưởng Vụ bảo vệ chuyên xử các án nội bộ
của Ban tổ chức trung ương, người lập hồ sơ vụ án “xét lại” cho Lê Đức
Thọ đàn áp và nay đề nghị lật án.
Nguyễn
Trung Thành là ai? Không gì khác hơn là tay hòm chìa khoá của cái kho
hồ sơ lý lịch tuyệt mật của toàn bộ cán bộ trung cao cấp Việt Cộng không
sót một ai. Từ đồng chí Hồ Chí Minh!
Còn
nữa! Là người tra cứu hồ sơ của bất cứ ai lọt vào danh sách ứng cử uỷ
viên trung ương trước mỗi đại hội. Một thế lực khủng trong hậu đài. Thế
mà đùng một cái Nguyễn Trung Thành gửi thư đề nghị Trung ương xoá vụ án
“xét lại” bởi vì nghiên cứu lại, anh thấy không có bằng chứng pháp lý
cấu thành án. Hay như anh nói với tôi:
- Vụ án này là do chúng tôi đặt ra, có thế thôi!
Ở
nhà Gia Lộc nghe tin “đại náo”, tôi và Gia Lộc đã nhờ điện thoại của
Giám, con trai cụ Nhuệ trước kia lái xe cho Hoàng Tùng ở báo Nhân Dân,
gọi cho Nguyễn Trung Thành.
Chúng tôi vừa xưng danh tính xong, Nguyễn Trung Thành nói ngay:
- Mời hai anh lên tôi. Tôi cũng muốn chúng ta gặp nhau.
Gia Lộc và tôi đến gặp ngay Trung Thành. Đâu còn xa lạ!
Quen
biết nhau ớ sổ đoạn tràng cả rồi. Gia Lộc lại vốn còn là cả học viên
lớp “Bốn một” mà Trung Thành phụ trách năm 1953-1954, lớp khai cung và
cải tạo 800 cán bộ trung cao cấp có nghi án chính trị như Cu Dét, Việt
Cách, Đệ Tứ, AB (chống bôn-sơ-vích)… tóm lại tất cả những người yêu nước
nhưng không được cộng sản cấp môn bài cứu nước, “như cách tôi nhận diện
nó”. Đi buôn còn trốn được môn bài chứ yêu nước mà có tổ chức thì cộng
sản xoá sổ ngay, không chui, không lậu được. Cộng sản khống chế tuyệt
đối “thị trường yêu nước”.
Còn
tôi, hai mươi tư năm rồi mới gặp lại Trung Thành nay đã bảy mươi hai
nhưng khoẻ. Phải nói rõ là đến lần gặp này, tôi mới dứt khoát khẳng định
anh có đôi mắt và một khuôn mặt rất hiền. Cả tiếng nói, nụ cười đều rất
hiền. Lần ở Ban tổ chức trung ương, nghe anh tiễn tôi ra đầu cầu thang,
nói “Gặp anh tôi học được nhiều lắm”, tôi đã ngờ, tìm hiểu mãi tại sao
anh lại nói như thế. Nay thì thấy cơ sở sâu xa của nó.
Vào nhà thấy ngay gia cảnh nghèo. Hàm bộ trưởng lâu rồi mà phòng khách sơ sài, lạnh lẽo, trống vắng thế này là của hiếm hoi đấy.
Có một điều cần làm rõ. Động cơ Trung Thành?
Rất đơn giản tuy có được là cực kỳ khó.
Thành nói:
- Vì lương tâm cắn rứt…, vâng cắn rứt cho nên phải kêu lên Trung ương cho các anh chị.
Cắn
rứt nên anh mới đã công phu bỏ hẳn mấy tháng ra nghiên cứu lại tất cả
hồ sơ của chúng tôi để cuối cùng kết luận vụ án này không có bằng chứng
tội phạm.
- Nghĩa là thế nào anh? - Tôi hỏi. Vẫn tự dặn cần nhẹ nhàng, không băm bổ, soi mói, đừng làm cho Nguyễn Trung Thành ngại.
Nguyễn Trung Thành hơi đắn đo - hai con mắt sáng với đường mí rõ ràng hơi bối rối, tìm kiếm và hiền, rồi nói:
- Thì là oan… Là đặt ra, dựng lên… chứ sự thật không có gì cả.
Chúng tôi im lặng nhìn Thành. Không ngờ! Sự thật sơ sài mà kinh khủng.
Hai
mươi tư năm trước, tôi phân vân đánh giá một câu nói của Thành liên
quan đến tôi. Bây giờ tôi lại ngờ: chả lẽ không có gì cả mà Đảng làm nên
nổi bao sóng gió, bao điên đảo, bao tan nát thảm thương thế này sao?
Nhưng tôi ngầm cởi bế tắc ngay: “Trung Quốc chuyên làm trò ngậm máu phun
người này rồi mà. Chống phái hữu, Cách mạng văn hoá đó!”
- Lúc ấy, các cụ bảo - Thành nói - các cụ “cần” thấy các anh là một tổ chức chống Đảng.
A!
trong đầu tôi bật ra một tiếng a! Rõ rồi, cần vì Bắc Kinh cần mà. Làm
cách mạng văn hoá diệt “Khruschev thứ nhất” là Lưu Thiếu Kỳ và
“Khruschev thứ hai” là Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh rất cần có bạn đồng hành
mà Việt Cộng đang được Bắc Kinh chu cấp mọi cái để đánh Mỹ thì tất sẽ
phải có một Khruschev ứng hoạ theo nhưng thể tình Việt cộng đang chiến
tranh nên Bắc Kinh không đòi chỉ hẳn tên tuổi ra. Trùm chăn đánh quỵ là
được rồi… Đảng sợ Đại hậu phương có thể đem Đại tiền tuyến bỏ bơ vơ ở
giữa chợ chiến trường. Sau này đổi đầu tàu cách mạng, đảng lại thế chấp
Chu Văn Tấn, Lý Ban, Hoàng Chính nộp Liên Xô.
Nghĩ
rất nhanh như trên - thấy rõ mình đang gỡ ra một cái nút - nhưng tôi
không hỏi vì sợ Trung Thành sẽ co lại. Có lúc tôi đã e sự im lặng của
chúng tôi sẽ lại làm cho Nguyễn Trung Thành giữ gìn. Nhưng Thành vẫn nói
tiếp. Chúng tôi sao hiểu được rằng đang ở trong một con tàu vũ trụ kín
bưng, Nguyễn Trung Thành đã rời bỏ nó mà bước ra ngoài không gian. Và
một khi sự thật đã cất lời thì đừng mong chôn vùi được nó nữa.
-
Các anh lạ gì rằng khi đã là tổ chức thì phải có mấy yếu tố: hay gặp
nhau (các anh thì hay gặp nhau quá), thứ hai có phát ngôn láo. Cái này
cũng có. (Cười). Đặc tình… (tôi hỏi đặc tình là gì?) À, là công an nhưng
nó vờ làm như giống các anh để bám nghe các anh mà không lộ. Đặc tình
nó báo Trần Châu, anh của anh đấy, nói cứ đánh nhau mãi thì có ngày dân
nổi lên lật đổ. Vậy là các anh có mục tiêu lật đổ, đúng không? Thứ ba
cần có hành vi vật thể của tổ chức các anh. Cũng có nốt. Đặc tình và
công an do Lê Kim Phùng bố trí - sau vụ các anh, Phùng được cấp cho cái
nhà to tướng số 3 Lý Thường Kiệt, cạnh nhà cụ Vũ Đình Huỳnh đó - biết
Trần Châu có bản sao trích biên bản hội đàm giữa đảng ta và đảng Trung
Quốc, công an bèn vờ làm như có kẻ trộm lấy đi. Vậy là tổ chức các anh
với tay đã quá cao: lấy được cả tài liệu tối mật của Đảng. Thứ tư là một
khi đã có tổ chức thì tất phải có cương lĩnh. Luận văn phó tiến sĩ sử
của Minh Việt là nó đấy chứ còn gì nữa. Trong khi phần lớn các anh không
biết nó. Còn Hoàng Minh Chính thì cho là viết uổng công. “Bên Liên Xô
người ta phê phán giáo điều nhiều vô kể rồi, viết làm gì?” Luận văn này
có tên “Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam”. Các anh có lúc khai có tổ chức,
có chống đảng. Cuối cùng vì sao tôi dám làm đơn gửi Bộ chính trị kết
luận các anh vô tội? Chính là nhờ có cái chỗ dựa pháp lý vững như núi
này của các anh. Đó là các anh đều phản cung hoặc khai mâu thuẫn lại với
mình cả.
Về đặc tình, Trung
Thành nói cụ Huỳnh thật thà nói với tù “đặc tình” vào ở cùng phòng rằng
may quá tài liệu chống giáo điều của Minh Việt để ở nhà Phạm Viết không
bị mất thế nên an ninh mới chẹn đường chị Ngọc Lan, vợ Phạm Viết bắt tìm
rồi giam luôn. Hồi ký của Lưu Động cũng bị đặc tình biết được.
Tôi
nghĩ thầm thảo nào Trần Châu bảo tôi một lần anh đổi phòng giam, một
thường phạm ở cùng anh đã dặn gặp tù chung phòng thì đừng có tâm sự gì
đấy. Cũng nghĩ tới câu ở tù ra Châu nói với tôi: “Nếu Việt Nam không
cộng sản thì đất nước thanh bình, không chiến tranh. Cộng sản là hoạ của
dân tộc”.
Thủ đoạn vu cáo cài bẫy bắt người này, Milovan Djilas đã nói đến từ 1948. Trong cuốn Giai cấp mới
từng làm nghiêng ngửa giới tư tưởng cộng sản, ông vạch ra cách thức
dựng nên các vụ án chính trị. Hệt như Trung Thành nói với chúng tôi hôm
gặp nhau lý thú ấy. Vâng, đầu tiên cảnh sát mật, theo “gợi ý” của cán bộ
đảng, “phát hiện” được một người nào đó là kẻ thù của chế độ, là cái
gai của chính quyền vì anh ta công khai bảo vệ một quan điểm nào đó hoặc
anh ta thảo luận quan điểm đó với bạn bè của mình. Nếu việc “phát hiện”
thành công thì sẽ sang giai đoạn hai, giai đoạn đưa nạn nhân vào bẫy.
Người ta sẽ sử dụng một kẻ khiêu khích để thu thập những “bằng chứng có
tính chất phá hoại” hoặc doạ dẫm một kẻ nào đó và bắt phải kí những tài
liệu vu khống mà cảnh sát đưa cho. Đa số các tổ chức bí mật là do chính
cảnh sát lập ra để bẫy những phần tử bất đồng ý kiến. Người ta không tìm
cách ngăn chặn mà ngược lại còn cố tình đẩy những công dân “không đáng
tin” đến tội lỗi để trừng phạt họ.
Vậy
chúng tôi tỏ rõ chống chiến tranh thì đảng phải “để mắt” tới chứ! Chúng
tôi phát biểu ý kiến trong các cuộc họp đảng mở ra để thảo luận. Đảng
chưa đàn áp một vụ án chính trị lớn nào ở trong đảng, chúng tôi vẫn tin
đảng nói lời là giữ lời, chẳng hạn lời này: đảng ta là đạo đức, là văn
minh.
***
Nửa tháng sau tôi lại đến. Trung Thành vừa mở cửa thấy tôi thì vui ra mặt, líu tíu nói:
- Vào đi, vào đi. Pha trà uống cái đã chứ nhỉ.
Cúi gỡ cái đai dây thép bện mấy vòng quàng lấy cổ chiếc phích Rạng Đông cũ kỹ, Trung Thành nói tiếp.
-
Tôi vừa gặp anh Đỗ Mười với anh Đào Duy Tùng chiều qua. Trình bày việc
xin minh oan cho các anh. Cũng là phải nhờ anh Vũ Oanh mách nước mới đến
được anh Đỗ Mười.
- …?
-
Thư từ đến tay anh Đỗ Mười rất khó, anh Vũ Oanh dặn tôi lúc ấy lúc ấy
đến chỗ ấy sau nhà anh Đỗ Mười sẽ thấy một cô rửa rau vo gạo thì bảo đưa
giúp công văn cho thủ trưởng.
Cô ấy là cấp dưỡng của Đỗ Mười, cô ấy thế nào cũng đưa.
Tôi
đã nghĩ ngay là với các chi tiết loại này, cô nấu cơm nom sao, gạo thế
nào, cái rá? Tiểu thuyết Việt Nam dễ hay lắm đây! Rồi vui y như mình sắp
viết ra thật. Sau nhận ra cái vui này chỉ là cái vui thứ phẩm phái sinh
của câu chuyện Trung Thành gặp Đỗ Mười.
Gặp Trung Thành, mở đầu Đỗ Mười hỏi tuổi.
- Dạ, thưa anh, bảy mươi hai.
- Sắp đi khai hội với giun rồi sao không ở nhà chơi với con cháu mà lại đi viết kiến nghị?
Tôi
phản cảm với cái giọng khinh khỉnh bề trên. Và với câu “khai hội với
giun” có cách đây đã nửa thế kỷ. Ông ta đúng là dân cố cựu kháng tân.
- Dạ, anh bảy tám mà có được vui chơi với con cháu đâu ạ? - Thành đáp.
Tôi khen thầm Thành đá lại rất tinh tế.
-
Ừ, nhưng sao lại viết kiến nghị rồi lại gửi vung lên? Anh có biết Liên
hợp quốc nó như thế nào không? Nó là thằng địch phản động, thế mà anh
lại giúp nó vu cáo ta, gây sức ép với ta bằng cái thư của anh. Nó đang
chửi ta vi phạm nhân quyền kia kìa.
Trung
Thành nói tháng 12 năm 1993, anh đã có thư trình bày lên Tổng bí thư
vấn đề này nhưng mãi không thấy trả lời. Trong thư này anh nói Ban
chuyên án ngày ấy đã phạm sai lầm dẫn tới Bộ chính trị và Trung ương đưa
ra kết luận sai lầm về vụ án này.
Nên nhắc lại: trưởng ban chuyên án là Lê Đức Thọ.
- Trung ương đã có nghị quyết kết luận vụ án này rồi mà.
-
Vâng, nghị quyết mà Trung ương kết luận về vụ án này chính là dựa trên
sai lầm của ban chuyên án và báo cáo của Ban chuyên án gửi Bộ chính trị
lúc bấy giờ là do chính tay tôi thảo.
Nghe câu này, tôi nghĩ ngay: “Có ai trong lãnh đạo đảng trung thực được như Trung Thành? Rồi tự nhiên kéo ghế lại gần anh hơn.
- Thưa anh, Nguyễn Trãi mười tám năm rồi được minh oan, vụ anh chị em này đã hai mươi tám năm rồi ạ.
- A, anh lại ví bọn này với Nguyễn Trãi? - Đỗ Mười cáu.
Tôi lại bất bình: Kiểu đâu chỉ có cả vú lấp miệng em. Nghĩ đến vùng miệng hô dẩu ra của Đỗ Mười có thấy rờn rợn.
-
Không ạ, đây là tôi nói về thời gian hai vụ thôi ạ. Tôi xin minh oan vụ
này là làm theo lương tâm người cộng sản, làm theo trách nhiệm của
người đảng viên trước đảng.
-
Anh nói thế ra tôi không có lương tâm ư? Tôi tù Hoả Lò với đám thằng
Hoàng Minh Chính, Lê Trọng Nghĩa, tôi lại không nghĩ được như anh sao?
Tại sao đã không trả lời anh? Đó là vì bận. Bận chuẩn bị đại hội.
-
Vâng tôi cũng nghĩ như thế nên mới tìm gặp Ban kiểm tra trung ương
nhưng các anh ở đấy lại nói không quản cái vụ này. Tôi lại nghĩ đảng
đang đổi mới, đang có chính sách hoà hợp dân tộc, nếu giải quyết được
cho anh chị em kia thì đảng sẽ được lợi nhiều. Còn nếu như anh bảo gửi
cái thư này đi là sai thì tôi sẵn sàng đi tù.
Đỗ Mười dịu xuống. Có lẽ nghĩ cũng nhờ anh này mà mình vào được Trung ương đây.
Trung
Thành cuối cùng đề nghị bốn điều. Để khôi phục quyền lợi cho anh chị em
bị án xét lại, đảng nên: Trước mắt trao Ban tổ chức giải quyết quyền
lợi cho anh chị em như người vô tội; trao Ban bảo vệ chính trị nội bộ
xét lại vụ án, lập tiểu ban thẩm tra, những người vướng mắc vào vụ này
được trình bày ý kiến hay đối chất; thông báo là sẽ có kết luận cuối
cùng của đảng.
Tôi ra cửa về thì Lê Hồng Hà đến. Lại nghe Trung Thành líu tíu:
- Vào đi, có cái này hay đây.
Lê Hồng Hà đã tán phát nội dung cuộc gặp quan trọng này.
Đỗ
Mười, Lê Đức Anh liền phản ứng hết sức dữ. Lập tức khai trừ Nguyễn
Trung Thành và Lê Hồng Hà. Mở hội nghị cho Nguyễn Đình Hương lên án lại
vụ xét lại. Mở một triển lãm về vụ án xét lại với cả sơ đồ tên tuổi xét
lại cũ mới. Có một tên bị bôi kín. Hồng Ngọc, vợ Chính, gại gại ra thì
là Lê Giản! Tôi cũng hiện diện. Tôi bèn kiện: “Phải toà xử mới có tội và
ngay dù toà xử có tội rồi cũng không được cứ thích lên là đem bêu tên
người ta ra! Hiến pháp bảo vệ công dân ở đâu?”
Lê Kim Phùng, cục trưởng A25 đến tận nhà tôi thanh minh.
Trung
Thành, Hồng Hà bị khai trừ quá nhanh. Sau đó Hồng Hà có thư tố giác
trong đó nói các vị lãnh đạo bây gìờ thua Trần Độ mọi mặt…
Nguyễn
Trung Thành bảo tôi anh không tán thành việc Hồng Hà chưa chi đã công
khai tóe ra chuyện anh gặp Đỗ Mười, ông ấy chỉ cần hỏi: anh đề nghị, tôi
nhận nhưng nói bận đại hội hãy chờ mà chưa chi anh đã nêu tôi ra, định
chẹn họng bắt bí tôi hả, là lòi ngay chỗ mình không tuân thủ tục pháp
lý. Nhưng anh Thành lịch sự không công khai đổ hết cho Hồng Hà. Xưa học
Trường đảng Bắc Kinh, Hồng Hà được giữ ở lại phụ đạo cho anh em học sau,
trong đó có Nguyễn Trung Thành.
Chỉ có sau đó anh Thành từ chối Hồng Hà đến chúc Tết.
“Tôi bảo anh ấy là thôi, đừng đến tôi”.
Ba mươi Tết Canh Thìn (2000), Trung Thành điện thoại:
- Tôi vừa đọc lại mấy cái thư khiếu kiện trước kia của anh, tôi mời anh đến chơi.
Mồng hai mồng ba gì đó, tôi rủ Hoàng Thế Dũng đi.
Vẫn căn hộ chung cư sơ sài, thanh bạch - đúng hơn là nghèo.
-
Mọi năm quà mừng, thiếp chúc đầy cả, nay tạnh không… - Thành nói - Có
lúc cũng buồn nhưng nghĩ mình làm theo lương tâm, lương tâm yên thì mình
vui. Họp lão thành cách mạng cũng lờ. Lâm cảnh này mới thấu hết. -
Thành nhẹ nhàng nói.
Tết Tân Tỵ
năm sau tôi lại rủ Hoàng Thế Dũng đến Trung Thành. Vòng cổ dề giữ phích
nước nóng vào chân bàn từ sợi dây thép bện đổi sang một vòng đai nhôm
lấp loá nay đã là một cu roa cao su đen bóng. Sự đổi mới lộ liễu này
khiến tôi se lòng. Nhưng nếu nhà Trung Thành đầy các của quý thì sẽ
không có chuyện chúng tôi gặp nhau trong không khí nạn nhân.
Bữa
này Thành cho tôi xem một tư liệu rất lý thú. Kỷ niệm 50 năm thành lập,
Ban tổ chức trung ương yêu cầu các vị ở ban từ thuở ban đầu viết lại
những đóng góp của mình.
Thành
viết mười lăm trang. Tường thuật toát yếu bốn chục vụ nghi án chính trị
anh từng giải quyết trắng án! Anh đã đưa tôi và tôi đọc tại chỗ, rất to
cho Dũng điếc có thể cùng nghe được.
Ở đây tôi kể ra vài ba vụ tiêu biểu.
Trước
hết nghi án Nguyễn Tài Đông tức Tài Cá, thứ trưởng công an nằm vùng
trong Nam bị bắt rồi “khai báo”. Trung Thành nghiên cứu đã kết luận vô
tội. Nghe anh tường trình, thường trực Ban bí thư Nguyễn Duy Trinh nói:
- Tôi thấy anh nói hợp tình hợp lý, lô gích nhưng anh đừng báo cáo với anh Sáu Thọ như thế mà phiền ra. Anh Thọ nghĩ khác.
Vậy
là Sáu Thọ muốn khép tội Tài Cá, người đang có dư luận là phen này sẽ
thay Trần Quốc Hoàn. Và rồi Tài Cá bật khỏi công an về phụ trách Hải
quan thật. Để Mai Chí Thọ sẽ thay Hoàn, cắm cờ đại tướng đầu tiên cho
công an Việt Nam. Biết từ nay trong đảng vật lộn nhau gay go, Thọ cần em
đến trấn cái cửa này.
Đến vụ
Trần Quốc Hương. Cũng tai tiếng khai báo. Trung Thành lại kết luận vô
tội và lần này thì không phải là vướng Lê Đức Thọ mà vấp chính Tổng bí
thư. Nhận định không hay về Quốc Hương, Lê Duẩn gọi Nguyễn Trung Thành
đến, vặn:
- Tội rõ như thế mà sao
anh kết luận là không tội? Anh ngồi xuống rồi lấy giấy ra ghi đi, ghi
rằng tôi mắng anh, ghi chưa, à, anh mang về báo cáo lại đúng như thế với
anh Sáu Thọ.
Vậy là Lê Duẩn muốn
khép tội Trần Quốc Hương. Và vụ này ghê đến độ Duẩn muốn Thọ qua bung
xung Trung Thành biết là mình mắng Thọ. Qua ca Trần Quốc Hương đặc biệt
thấy lợi ích nhân sự bắt đầu chọi nhau khá mạnh giữa cặp đôi Tổng bí thư
và Sáu Thọ.
Té ra đến bước lung
tung xòe thì Duẩn, Thọ ở trên hai con bè! Chẳng khác gì “thắm thiết tình
Việt - Trung - Xô” rồi choang nhau vỡ đầu.
Và
Lê Duẩn thiệt. Ông chết thì Trần Quốc Hương lại vào Ban bí thư phụ
trách nội chính. Bên công an thì Mai Chí Thọ. Thọ cần làm tê liệt các
thân tín của Duẩn.
Đọc đến đây
tôi chợt nhớ lời Lê Đức Thọ bảo tôi hồi 1965-66: Thằng nào bị địch bắt
mà nói không khai là thằng nói phét. Mình đồng da sắt chó gì mà nó quạng
cho vọt cả cứt lẫn đái ra lại bảo rằng không khai? Thằng nào cũng khai.
Chỉ là khai tệ hại hay không thôi”. Nhưng ai phán xét là khai tệ hại
hay không? Lê Đức Thọ. Gần như Thọ độc quyền chuyện này. Và tất yếu có
những ý trái lại Thọ nhưng khi mâu thuẫn nội bộ chưa gay gắt thì người
ta đoàn kết với nhau trên đau khổ của nạn nhân.
Lúc
ấy tôi chưa vỡ lẽ khi một người được độc quyền đánh giá đảng viên khai
báo với địch có tệ hại hay không thì người ấy cũng dễ dàng bịa đặt tội!
Đào Phan trong thư gửi Ban tổ chức năm 1992 đã tố cáo Sáu Thọ bịa cho
anh tội báo tin anh em tù ở Sơn La cho công sứ Pháp, chuyện Đào Duy Kỳ
lên tận Sơn La gặp Đào Phan - trong khi Kỳ đang tù Côn Đảo! Đào Phan
nhũn não sắp chết mới nhận được một chứng nhận của Ban tổ chức trung
ương nói sai lầm ghi trong lý lịch anh là “không có cơ sở”. Phải chăng
vì bè phái, vì ghét trí thức (không bằng cục cứt cơ mà) nên đã trẩm đi
các đảng viên trí thức để cho họ không vào được lãnh đạo cao nhất của
Đảng?.
Như Đào Năng An, Đào Duy Kỳ, Đào Văn Trường v.v… Đào tận gốc, trốc tận rễ trí, phú, địa, hào mà. Trí đầu tiên.
Và
oái oăm thay, tôi, kẻ mà Lê Công Tuấn hỏi cung nhận xét là tội nặng hơn
nhiều đứa “xét lại” bị tù thì thoát xà lim nhờ vị chánh án gian hùng
này đặt mắt xanh vào! Không những không bắt, ông còn liên tục cho đò chờ
đón tôi qua sông theo ông.
Thú
vị là sau khi Lê Duẩn và Sáu Thọ đã chết cả thì Nguyễn Tài Đông nhận
danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang còn Trần Quốc Hương thì Huân
chương Sao Vàng. Đảng có một bộ phận hậu sự chuyên đi lau chùi đánh bóng
tên tuổi các người đã bị đảng hãm hại. Đấy, các vị lên tên phố đầy! Tóm
lại đảng lãi to: ra ngõ là đụng toàn hàng xịn, hàng hiệu vẻ vang của
đảng mặc dù đều đã va nhau đến hồn lìa thể phách cả. Lệ của đảng là khi
chết rồi thì hoà cả làng tất. Xoá tội xoá nợ cho nhau lúc này chỉ có lợi
cho thanh thế Đảng.
Vụ thứ ba là
vụ Chu Văn Tấn, Hoàng Chính “tay chân Bắc Kinh”. Xảy ra vụ này vì lúc
này Đảng lại đang cần báo cáo Liên Xô: Dạ, tôi phang Bắc Kinh cho đồng
chí đây, đồng chí đầu tàu ơi!
Nhưng
rồi Đổi mới, trong văn bản hợp tác với thế giới tư bản có điều khoản
phải thả tù chính trị và Đảng thì cũng chả còn cần các thế chấp dâng hai
ông anh! Hôm Trung Thành xuống Phố Nối đón Hoàng Minh Chính về thì
Dương Thông đón Hoàng Chính ra tù.
- Khổ hai anh Chính họ Hoàng, một anh lấy cả tên Bác làm đệm mà đều khốn nạn - tôi đùa.
Trung Thành nói:
-
Anh Hoàng Chính vốn là ra Quảng Ninh chơi với cơ sở cũ, Bộ công an liền
nhờ lùa giúp về cho một đàn bò để họ liên hoan. Có công mua hộ công an
bò thì bị công an bắt vì tội mò ra cơ sở cũ “xúi giục cán bộ bỏ trốn
sang với Hoàng Văn Hoan”, vu ra cho người ta. Còn Chu Văn Tấn thì chết.
Chu Văn Thành con trai ông vẫn giữ những tấm ảnh chụp cỗ quan tài hở
toang hoác, trông thấy xác của Hùm xám Bắc Sơn nằm cứng queo bên trong.
Tôi nói:
-
Biết trước Chu Văn Tấn sẽ khốn nạn như thế nên Văn Cao báo trước trong
bài hát Bắc Sơn “Ôi còn đâu đây sắc chàm phai màu gió?” (Đúng ra là
pha).
Ngừng một lát Thành lại nói:
-
Rồi đến ông Lê Đức Anh. Anh Nguyễn Đức Tâm và tôi mang cả một chồng hồ
sơ lý lịch các nơi phát giác khai man đến báo cáo với anh Sáu Thọ nhưng
anh Thọ bảo nó không sao cả, tớ nghe trình bày rõ rồi.
-
Ông Thọ đang cần hai gia nhân bảo vệ đằng lưng cho ông ấy mồ yên mả đẹp
còn Giáp kiện Nguyễn Chí Vịnh bịa tội cho mình thì Thọ mặc!
Tôi muốn được biết ai bảo Vịnh làm cái trò này nhưng Trung Thành chỉ lầm rầm như nói cho mình:
-
Ông Thọ đang cần hai gia nhân bảo vệ đằng lưng, còn Giáp kiện Vịnh thì
ông ấy chả coi ra mùi… Với lại xoá án cho ông Giáp để mà bới tanh bành
tất cả lên à?
Trung Thành rất
thận trọng, nên dĩ nhiên tôi không hỏi tanh bành là sao. Tuy đến nay mấy
ai còn lạ ba đối tượng thất thế chủ yếu của Nghị quyết 9 là Hồ Chí
Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp! Riêng tôi thất tình với Trường Chinh
và ớn Cụ Hồ chính vì các vị đã đầu hàng. Tép riu như tôi mà dám bướng.
Khai thác hết trữ lượng bí mật ẩn ức của cái mỏ “đại tam thất” - ba mất
lớn - này thì không biết sẽ vỡ ra đến đâu.
Bởi
lẽ đảng không thể “sửa sai” vụ xét lại. Sửa thì để lòi ra ở trong lòng
đảng một sới vật man rợ và đảng mắt lé, mỗi con ngươi nhìn một ngả,
không ai giữ gìn cho thống nhất. Như lòi ra vụ chúng tôi - dĩ nhiên gồm
cả Hồ Chủ tịch và đại tướng Tổng tư lệnh - là Bắc Kinh “cần” gạt.
Thành hay thắc mắc tại sao nhiều người được minh oan lại vẫn khăng khăng ôm lấy “tội”.
-
Anh biết vụ Nguyễn Thành Long, một vụ trưởng công nghiệp không? - anh
hỏi tôi. - Anh ấy gửi một thư lên Trung ương nhận xét mười
một
điều. Đúng cả duy điều 11 thì đúng mà kinh! Viết thế này: “mấy chục
triệu nhân dân ta nuôi báo hại mười mấy uỷ viên Bộ chính trị chẳng làm
được ích lợi gì cho dân cho nước”. Bắt. Tra hỏi, dồn cung, anh ta nhận
mình chống Đảng và người bảo viết thư là Nguyễn Chấn, uỷ viên trung
ương, bộ trưởng điện than (trên rừng ở Văn phòng trung ương, chúng tôi
gọi là Chấn Trố, lổ đổ bạch biến ở vai ở ngực). Đưa Chấn đến đối chất,
Chấn im. Giam Long bốn năm rồi thấy anh ta chẳng có tổ chức gì thì tha.
Được tha mà vẫn cứ lẩm bẩm tôi có tội. Sau hỏi Chấn sao im thì nói: tôi
có cãi cũng chả ai tin mà.
Tôi
nói cây lý luận cự phách của Đảng cộng sản Liên Xô Zinoviev chờ đảng
giết mà trước sau chỉ nói: Tôi thà bò lê trong đống bùn nhơ chứ không
thể đứng ở ngoài đảng rồi nói là mình đúng!
Trung Thành kể sau khi Bác Hồ chết, Sáu Thọ đã gặp Hoàng Minh Chính thuyết một hồi. Thấy Chính rơm rớm nước mắt, Trung Thành đã
mừng nhưng chỉ vài ngay sau Chính lại đâu hoàn đấy. Các anh quyết không nhận tội thì tôi mới dám đứng ra xin xử lại chứ!
-
Biết chuyện tôi đòi minh oan cho các anh, anh Hoàng Minh Chính điện
thoại cho tôi nói rõ hoan nghênh việc tôi làm nhưng nhấn rằng không cảm
ơn.
Tôi thấy giọng Trung Thành có
đôi chút xuýt xoa, đau đau nên sau đó gặp Chính tôi đã nói “Người ta vì
lẽ phải, dù muộn vẫn cứ hơn - mà hỏi ai từ đầu đã thấy lẽ phải? - rồi
đấu tranh cho lẽ phải đến mất cả sinh mạng chính trị mà mình vẫn không
cảm ơn thì không hay. Tôi thật tình thương Trung Thành. Anh ấy như vừa
lột khỏi kén, phơi mình ra với đời cát bụi, ta nên vun đắp cho những
ngày cuối cùng tử tế của anh ấy được tử tế…”
Hôm ấy tôi hỏi Trung Thành:
- Bên ông Giáp có nói năng gì với anh không?
Tôi thấy hình như Trung Thành khẽ lắc đầu nhưng không dám chắc.
Tôi nửa đùa nửa thật nói:
-
Tôi sợ có khi ông Giáp cũng nghĩ toà án là trò dân chủ tư sản bịp chả
hay ho gì, chỉ kỷ luật của đảng vô sản mới đích thực dân chủ. Chẳng qua
là tôi chán thái độ nín nhịn quá gương mẫu - về tính đảng - của Giáp!
Đánh đông đánh tây bằng máu dân để “giải phóng con người” nhưng để giải
phóng chính mình khỏi kìm kẹp thì không. Sao kỳ quặc thế?
Mấy
lần tôi đã toan nhắc đến chuyện “Bác Hồ”. Sau Nghị quyết 9 mà Bác không
biểu quyết, Bác thôi họp Bộ chính trị là vì sao? Anh đọc hồi ký Vũ Kỳ
đăng số Tết báo Văn nghệ rồi chứ? Nói rõ máy bay chở Bác về dự hội nghị
Bộ chính trị thông qua kế hoạch đánh Tết Mậu Thân suýt thì đâm xuống
đất. Sau vụ đặt sai đèn hiệu này, Vụ bảo vệ các anh không động đậy gì ư?
Sao vậy?
Đến
đây tôi suýt buột miệng nói tiếp: “Anh có thấy rõ là dương mưu, mưu
công khai không? Ghê rợn! Ghê rợn cho những bộ mặt vẫn phẳng lặng của
các cốp nhưng tôi kìm lại được”.
Cũng
hồi ký Vũ Kỳ nói dự hội nghị Bộ chính trị trên kia, Bác chỉ ngồi ở một
góc và rồi trong suốt cuộc Tổng tiến công, Tổng nổi dậy Bác và Vũ Kỳ ở
Bắc Kinh tự lọ mọ mở đài tìm tin tức chứ chả ai báo với Bác “thắng lợi
có ắt về ta” hay không? Tôi còn muốn hỏi Nguyễn Trung Thành nhiều nhiều.
Chẳng tháng 7-1966 Bác kêu gọi cả nước đánh Mỹ giọng còn khỏe lắm mà
sao sang 1967 Bác đã phải đi chữa bệnh ở Bắc Kinh? Cái gì làm sức khỏe
Bác sút nhanh thế? Xin chú ý là năm 1967, Bác về nước hai lần gần nhau,
lần thứ hai về đầu tháng 7 là cái tháng bắt xét lại đợt thứ nhất và
tháng 9 là buộc Võ Nguyên Giáp đi chữa bệnh ở Đông Âu. Phải chăng về là
muốn
ngăn
bắt bớ cũng như lưu đày Giáp nhưng lại được lệnh phải rời nước sớm? Tôi
đã không hỏi. Chắc là Trung Thành sẽ im. Vả lại lúc ấy các điều tôi
biết vẫn chưa thành hệ thống.
Cái bè nạn nhân “xét lạ” cuối cùng đã không nguyên vẹn:
Hồ
Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn bảo vệ uy tín, thanh danh của
Đảng. Nhưng tôi đinh ninh cái bè nạn nhân thuộc các đối tượng thanh
trừng của Đảng kể từ “trí, phú, địa, hào” đến cải cách ruộng đất, cải
tạo công thương nghiệp tư bản, Nhân văn Giai phẩm và “xét lại lật đổ
chống đảng”. chúng tôi trước sau không hề bao giờ rã ngũ. Trái lại họ đã
kết thành một bức trường thành vô cùng kiên cố.
Tôi
đã có những lúc đạp xe giữa Hà Nội phơi phới trình làng bộ mặt nạn nhân
với mong muốn kêu gọi, tập hợp. Chính bộ mặt ấy đã hút Kim Lân
đuổi
theo tôi để chỉ nói: “Ừ, trông vẫn tư cách lắm. Này, sông có khúc,
người có lúc, nhớ thế nhá…”. Anh biết tôi là người ngay bị kẻ gian móc
túi rồi lại hô bắt cho tôi thằng ăn cắp. Mà số người bị móc túi và bị hô
bắt thì nay hằng hà.
Và
không ít lần tôi dạo phố với một bộ mặt không quen biết nhưng thường
hay nổi gió phần phật ở trong đầu tôi, bộ mặt của Klocky Tarassov, bạn
tù của nhà văn Nga Bukovsky, người tiên phong mở ra phong trào tin chui,
báo lủi samizdat, cái phong trào minh bạch, công khai mạnh như địa chấn
ở Nga rồi mở đường cho gió bão làm sập chế độ xô viết. Trong 12 năm tù,
Bukovsky gặp Klocky Tarassov hay đúng hơn, người giương lên ở trên mặt
một bản tuyên án Đảng cộng sản Liên Xô. Trán Klocky xăm: Lê-nin ăn
thịt
người! Má phải: Nô lệ của ĐCSLX! Má trái: BCHTƯ chết đi! Toàn chữ xanh
lè quanh một cái miệng đã rụng hết răng. Năm 1944 Klocky Tarassov ăn cắp
bị tù. Rồi tù mãi, tù mãi mấy chục năm để hoá thành tù chống cộng.
Người ta nhất định phải lột đi cái kim ấn mà Tarassov đóng trả miếng lại
vào mặt nhà cầm quyền xô viết. Không thuốc tê, thuốc mê. Lột sống, bóc
tươi. Nhưng mặt vừa lên da non. Tarassov lại xăm, không để hoang phí chủ
quyền lãnh thổ là thân xác và phẩm giá của ông. Bên lột, bên xăm… cuối
cùng họ đã bắn chết cái biểu ngữ ngạo nghễ, kiên cường, độc đáo duy nhất
trên thế giới này. Năm 1976, Liên Xô đánh đổi Bukovsky ngang giá lấy
Tổng bí thư Đảng cộng sản Chi-lê Luis Corvalan cũng tù. Bukovsky đã viết
đến Klocky trong quyển Và gió lại tiếp tục các chuyến đi.
***
Từ
ngày Nguyễn Trung Thành làm đơn minh oan cho vụ xét lại, tôi đến gặp
anh chừng mười lần. Khoảng năm lần trong đó anh nói đến chuyện anh có
thể lại được phục hồi đảng tịch. Anh đã làm đơn. Đáng nói hơn là nhiều
vị quan trọng trong đảng, từ Lê Khả Phiêu, Phan Diễn…, đã tiếp anh và
hứa giúp anh. Trung Thành xem ra cũng hy vọng.
Nhưng
rồi hơn năm sau, Nguyễn Trung Thành phôn báo tôi người ta vừa gửi cho
anh quyết định nhắc lại án khai trừ anh ra đảng là đúng. “Hai năm qua,
các anh từ Lê Khả Phiêu, Phan Diễn luôn hứa giúp tôi thế là cũng đành
chịu ư? Ngày Tổng bí thư Phiêu gặp tôi hứa hẹn giúp là có Trần Đình
Hoan, chánh văn phòng trung ương ngồi bên, ông ấy ân cần, niềm nở với
tôi
lắm nhưng lên trưởng ban tổ chức rồi thì lại lạnh như tiền ngay với tôi, đời này khó lường nổi thật”.
Tôi
định nói anh ơi, ai lạ gì lời hứa của ta? Cũng ai lạ gì sức mạnh hậu
cung giấu mặt. À đây, thử hỏi ai bứng Phiêu ra khỏi ghế Tổng bí thư sớm
thế? Ai không để Diễn lên Tổng bí thư như đã đồn nhiều một dạo? Ai cho
Nguyễn Văn Linh làm có một nhiệm kỳ và Giáp thì cứ đội oan mãi nhưng tôi
lại im lặng. Chả lẽ chia buồn trong điện thoại với anh? Trong khi đúng
ra nên bảo anh hãy mừng đi. Ở ngoài đảng anh mới được thật là anh.
Một
hôm còn ở Hà Nội, tôi đến Trung Thành, dạo ấy các cốp trong đảng đang
nuôi cho anh hy vọng trở lại đảng mà theo anh thì chẳng qua
cũng chỉ cốt mượn việc đó để nói lên rằng khi đòi minh oan cho chúng tôi, anh đúng chứ không chống Đảng. Trung Thành buồn rầu:
-
Xưa tôi bị ghét vì từng kỷ luật cán bộ, đảng viên, nay thì bị ghét vì
chống Đảng. Vừa qua giỗ ông Sáu Thọ, người đến đông lắm, bà Chiếu nói
cái anh Trung Thành không ngờ lại phản anh Thọ. Kỷ niệm cách mạng tháng
tám ở Đông Anh, tất cả mọi người đều lên chửi Trần Độ và Nguyễn Trung
Thành chống Đảng. Nói gì chứ cũng rầu lòng lắm…
-
Những người chửi Trần Độ và anh đều là đóng thuế mồm thôi. Ăn của đảng
vào thì phải nhè các anh ra, chân lý quái gì ở đây mà buồn anh. Anh có
biết ông coi xe đạp ở dưới sân chung cư anh ở không? Cán bộ Ban tổ chức
của các anh về hưu đó, ông ấy có người con trai bại liệt, chắc anh biết!
Ông
ấy bảo mới hôm nào người ta nườm nượp đến ông Thành. Có những ông xuống
đến tận cửa ra về vẫn còn cứ cười hớn hở lắm. Đều trúng rồi mà. Đều nhờ
Nguyễn Trung Thành mà lọt vào hàng ngũ lãnh đạo rồi mà… Đùng một cái
ông Thành hoá hủi. Thế là bặt ngay. Ông Thành khổ nỗi lại trong sạch.
Giá lúc có quyền cất nhắc đề bạt cũng thạo vòi giỏi xoay thì phải biết…
Tôi buồn cho con người quá. Mà cái diện người này toàn là trung ương, bộ
trưởng cả. Anh Thành à, tôi đã bảo ông giữ xe luận chuyện nhân sự cao
cấp Đảng, rằng có hai điều. Một là cái chế độ này nó chỉ biết phục tùng
người có quyền. Hai là những người mà bác phàn nàn là vô ơn kia thì họ
vốn dĩ phải có bản lĩnh ôm chân và lật mặt thì mới lên cao được bác ơi.
Trung Thành ngồi nghe cứ chớp mắt, không giấu được cảm động.
Từ
hôm ấy tôi thôi liên lạc với Nguyễn Trung Thành. Hình như thương Trung
Thành không được toại nguyện. Vẫn giữ số điện thoại của anh 08043746.
Con số ít thấy. Chung cư số 8 của Ban tổ chức trung ương sau dẫy chuồng
cọp Bách thú cũ chắc có mạng điện thoại riêng.
Với
tôi chuyện quan hệ với Nguyễn Trung Thành có hai đầu đuôi ngược nhau
khá lạ: mở đầu là giữa năm 1968, tôi đến đó một buổi trưa gặp Nguyễn
Trung Thành, Trần Trung Tá và Lê Công Tuấn để nghe thông báo tôi phải đi
“kiểm điểm” ngay lập tức ở xa Hà Nội, chuyến đi từ đấy liệt tôi
vào
danh sách “chống đảng, lật đổ” và kết là hăm bảy năm sau, Trung Thành,
người thiết kế nên vụ án theo nhu cầu các cụ - lại gặp “tội phạm” tôi để
cùng nhau phán về sự tầm bậy của cái vụ án này.